Ngọn nguồn tín ngưỡng thờ thần núi ở nơi đây
Trước hết QTDTTA là không gian của núi, thung lũng gắn với những dòng sông thơ mộng. Những khối núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, liền khoảnh và được bao bọc bởi bốn dòng sông (sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Chanh ở phía Đông, sông Hệ ở phía Nam và sông Bến Đang ở phía Tây) và bản thân trong lòng nó có sông Sào Khê, sông Đền Vối, sông Ngô Đồng uốn lượn mềm mại theo nét sơn văn. Khu vực này có đặc điểm địa chất đặc sắc, thể hiện rõ hơn bất kỳ nơi nào trên trái đất về các giai đoạn tiến hóa cảnh quan karst trong môi trường nhiệt đới ẩm. Với sự hiện diện của các đỉnh núi hình nón, hình chuông được liên kết với nhau bởi những sống núi sắc mảnh như những bức tường thành tạo nên các thung lũng khép kín đa dạng về hình dáng và chỉ được thông với nhau bởi các hang động, sông ngầm ở phần trung tâm.
Và hơn nữa hầu hết những khối karst này đều chịu sự tác động của một vài đợt biển tiến, khắc lên mình những ngấn sóng biển như khuông nhạc của trời đất, tất cả đã tạo nên một diện mạo riêng có cho Tràng An mà các nhà địa chất, địa mạo trên thế giới muốn bổ sung thêm vào sách giáo khoa về lịch sử địa chất và địa mạo của trái đất. Và cũng chính không gian thơ mộng và huyền bí này đã tạo nên một không gian thiêng thờ thần núi.
Một vùng núi đã được con người sử dụng từ lâu đời
Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện ở khu vực này gồm những di tích trong hang động, mái đá và trên các thềm đất cát ven chân núi. Sự phân bố của các di tích khảo cổ học ở đây là hết sức đa dạng, phong phú, có những nhóm di tích ở trên các hang động, mái đá ở độ cao từ 70m đến 145m so với mực nước biển, có những nhóm di tích ở dưới độ thấp 9m đến 10m và có những nhóm di tích trên cồn cát chỉ cao khoảng 4m đến 5m. Một số các di tích ở đây được các nhà khoa học khai quật, nghiên cứu, phân tích đã cho những thông tin thú vị về nhân loại thời tiền sử: Về cách con người thời tiền sử di cư như thế nào, cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm trí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Có thể khẳng định có một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.
Sự xuất hiện một số di vật như mảnh gốm, rìu đá thời đại kim khí có niên đại cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm một cách lẻ tẻ, rời rạc không ăn nhập, không cùng lớp văn hóa thời đại đồ đá trong các di tích khảo cổ học hang động và mái đá thuộc Quần thể danh thắng Tràng An như: Hang Núi Tướng; Hang ốc; Mái đá Vàng; Mái đá Chợ; Hang Thung Bình; Hang áng Nồi; Hang Mòi… đã báo hiệu sự kết thúc việc định cư của cư dân thời đại kim khí trong mái đá và hang động.
Sự xuất hiện những di tích, di vật xuất lộ trong phạm vi và vùng liền kề di sản QTDTTA là những minh chứng cụ thể cho nhận định loài người vẫn tiếp tục sử dụng nơi đây để định cư, sinh dưỡng. Cũng qua những tư liệu này cho chúng ta viết nên câu chuyện về sự dịch chuyển nơi cư trú theo hướng biển thoái (Sau biển tiến Holocene giữa khoảng 4.000 năm cách ngày nay), từ cao xuống thấp, theo hướng từ không gian khép kín (thung lũng kín trong khu trung tâm khối đá vôi) ra không gian mở (thung lũng mở), ngoài rìa khối đá vôi Tràng An, những nhóm cư dân cư trú trong hang đá và mái đá ra cư trú ngoài trời, trên những cồn cát, bãi bồi ven biển. Để rồi xuất lộ những dấu ấn về nền văn minh Đông Sơn trong QTDTTA. Từ hàng loạt các di tích; di vật thời đại kim khí; các di tích, di vật thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt xuất hiện trong phạm vi và vùng liền kề với QTDTTA khẳng định vùng đất này luôn được loài người sử dụng làm nơi định cư. Ngay sau khi hình thành những bãi bồi do tích tụ bồi đắp của sông ở thời kỳ biển thoái khoảng 4.000 năm cách ngày nay cư dân cổ đã chiếm cứ, định cư, hướng khai thác nguồn lợi từ biển song vẫn khai thác nguồn lợi từ phía rừng núi, thung lũng Tràng An, họ cư trú ngoài trời, di chuyển, kiếm sống sâu vào vùng lõi của QTDTTA thông qua sông Sào Khê; sông Đền Vối; sông Ngô Đồng đều chảy theo hướng Tây Bắc -Đông Nam, trong lòng di sản. Họ kiếm sống và giao lưu về phía biển, thông qua biển.
Và ở thế kỷ 10 ở thung lũng mở Hoa Lư được người dân nước Việt thêm một lần nữa tận dụng xây dựng kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hóa, làm tiền đề hun đúc nên nền Văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long- Hà Nội. Và đến thế kỷ 13 vua tôi nhà Trần lại chọn nơi đây xây dựng hành cung, củng cố lực lượng góp phần chiến thắng quân Nguyên Mông.
Trải qua hàng chục nghìn năm sống dựa vào sự che chở của núi rừng, khai thác nguồn thức ăn từ núi rừng loài người ở đây đã chứng kiến nhiều biến đổi về tự nhiên, những hiện tượng lạ từ núi rừng đã gây nên sự ngạc nhiên, kinh ngạc chưa thể giải thích, tiếp tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được chắt lọc, được thiêng hóa và được thờ theo tín ngưỡng thờ vật tổ, thờ những gì gần gũi với họ, những gì nuôi sống họ mà ở đây trước hết là đá (đá làm công sản xuất ), là núi (không gian sinh dưỡng núi rừng ở đây là những thung lũng đá vôi). Hiện tượng thờ đá, xếp đá thành đôi dạng hòn trống-hòn mái chúng ta đã bắt gặp tại di tích khảo cổ học Mán Bạc, một di tích có tuổi cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Hiện tượng thờ đá còn hóa thân thành Phật, khi buổi đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam (hiện tượng thờ Thạch quang Phật-Phật đá ở chùa Mơ, Nho Quan). Và đặc biệt trong buổi đầu dựng nước của dân tộc Việt hàng loạt những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng giúp vua Hùng dựng nước và giữ nước, được thiêng hóa, thánh hóa như Tam vị đức thánh Tản Viên, Tam vị đức Hoàng Công; Tam vị Vãng Vị…
Việc trở lại với tính thiêng liêng, mà trong nhiều người được hiểu là tâm linh, không chỉ là mối bận tâm của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay, mà còn như Malreaux, nhà "tiên tri" của văn hóa hiện đại Pháp, đã từng dự báo cuối thế kỷ XX rằng: "thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả". Trở lại với Lễ hội đền Trần ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, giỗ thánh Quý Minh Đại Vương (điểm trung tâm của khối núi đá vôi, khu hang động Tràng An); lễ hội Bái Đính, giỗ thánh Cao Sơn vào mồng 6 tháng giêng (trên Núi Đính, phía tây của khối núi đá vôi)…và nhiều di tích có tín ngưỡng thờ thần núi khác là trở lại với di sản niềm tin đã được thiêng hóa, được truyền tụng giúp cho thế hệ hôm nay có thêm niềm tin giữa con người với con người, niềm tin giữa cộng đồng với chính quyền địa phương để cùng nhau tiếp nối truyền thống của cha ông bảo vệ môi trường sống núi rừng, phát triển nền kinh tế du lịch dựa trên nền cảnh thiên nhiên đẹp gắn kết với nền văn hóa tâm linh bền vững, là di sản của hôm nay truyền lại cho những thế hệ sau.
Nguyễn Cao Tấn