Tháng 5 - 2007, với sự hợp tác giữa các nhà khoa học chuyên ngành cổ sinh, địa chất, khảo cổ... của Việt Nam và Trường Đại học Cambrige (Vương quốc Anh) đã tiến hành nghiên cứu di chỉ KCH Hang Bói. Sau 5 năm với 6 mùa điều tra, nghiên cứu tại Hang Bói đã cho chúng ta những thông tin khoa học hết sức thú vị về con người tiền sử cư trú ở Hang Bói nói riêng và trong Quần thể danh thắng Tràng An nói chung.
Theo con đường du lịch, để tới được Hang Bói từ bến thuyền Tràng An chúng ta phải vào đền Trần, sau đó đi qua các quèn và xuyên qua 8 lòng núi (tám thung lũng) trong vùng núi đá vôi có tuổi địa chất từ 200 đến 250 triệu năm, nơi lắng đọng nhiều di tích sinh vật biển hóa thạch và khoác trên mình hệ thực vật đa dạng, trong đó có loài sâm cau, đơn đen quý hiếm. Các lòng núi ở đây được đặt tên bởi những người đã từng đi trên con đường mòn, con đường mang tính sinh dưỡng và tâm linh từ Đền Trần tới Núi chùa Bái Đính: Lòng Lá, lòng Võng, lòng Kháo, lòng Găng, lòng Trò, lòng Bông, lòng Bói và lòng Then. Hiện nay, trên con đường mòn đã được kè bậc, thuận tiện cho khách tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học và phòng, chống cháy rừng.
Di chỉ KCH Hang Bói có hai phần là phần hang trên ở độ cao 75m so với mực nước biển, rộng khoảng 200m2; phần hang dưới thấp hơn hang trên 20m rộng khoảng 150m2. Để xuống được hang dưới, trước hết phải vào hang trên rồi đi theo vách hang phía tây nam khoảng 5m, tại đây theo đường cầu thang sắt xuống dưới độ sâu 20m thì gặp nền hang dưới.
Các nhà khoa học đã thu nhặt được những công cụ cuội trên bề mặt của đống sụt lở, theo các chuyên gia địa chất thì những công cụ này thuở ban đầu nằm ở hang trên, do có ít nhất 3 lần chấn động địa chất đã sụt lở một phần xuống giữa nền hang dưới hiện tại. Đây là những công cụ cuội được chế tác hết sức thô sơ, trên bề mặt viên cuội chỉ được ghè một vài nhát để tạo lưỡi. Song ở phần rìa của hang dưới lại xuất lộ một số công cụ; mảnh gốm thô và sọ khỉ nằm ngay trong tầng văn hóa ổn định không xáo trộn. Vậy, phải có một con đường khác vào lòng hang dưới thuận tiện cho người cổ đi lại chứ không phải con đường dốc thẳng đứng như chúng ta vẫn xuống hiện nay. Có khả năng lối ra ngoài từ hang dưới theo đường ăn ngang đã bị chấn động địa chất vùi lấp, cần được khám phá.
Các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu phân tích về địa chất; bào tử phấn hoa đá, nhũ đá, đất... ở hang và các thung lũng lân cận; lấy mẫu trong tầng văn hóa khảo cổ để xác định niên đại bằng phương pháp phân tích các bon (C14) gồm: xương thú, than, vỏ nhuyễn thể... Kết quả phân tích một số mẫu cho thấy niên đại cách ngày nay trên dưới 10.000 năm. Dựa vào những công cụ đồ đá, mảnh gốm trong báo cáo sơ bộ cùng kết quả phân tích một số mẫu C14, các nhà khoa học đã cho rằng nơi đây có dấu ấn người tiền sử ở giai đoạn cuối Pleitocene và đầu Holocene, cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nguồn thức ăn chính của người tiền sử ở đây là ốc núi, khai thác theo mùa (mùa mưa) ngoài ra còn có thủy sản sông suối, rùa núi, cua đá, chim thú nhỏ và các loại củ, quả, hạt.
Qua phân tích các tầng văn hóa khảo cổ trong di tích có dấu hiệu cho thấy sự cư trú và di cư theo mùa của người tiền sử. Những phát hiện mới đây về các di chỉ lân cận quanh di chỉ Hang Bói như mái đá Hang Đá Máng, Hang Chợ, mái đá Ông Hay, Hang Trống, Hang Thung Bình... cho chúng ta hình dung ra không gian sống của người tiền sử, sử dụng hang đá, mái đá làm nhà, nguồn thức ăn khai thác quanh những thung lũng đá vôi.
Một kế hoạch khai quật lâu dài và tiến hành làm bảo tàng tại di chỉ KCH Hang Bói có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng ở địa phương và trước hết nói lên được những giá trị văn hóa thời tiền sử gắn liền với cảnh quan môi trường của Quần thể danh thắng Tràng An.
Hà Phương