Những ngày tháng Tám âm lịch, chúng tôi đến thăm xã vùng cao Cúc Phương (huyện Nho Quan). Không khí chuẩn bị đón Tết Trung thu đã khá rộn ràng. Không phải bởi những dãy đèn lồng sặc sỡ đủ sắc màu, không có những cửa hàng bán bánh với đủ loại bánh có thương hiệu đắt tiền. Đơn giản, đó chỉ là sự háo hức trong ánh mắt của từng trẻ thơ, trong sự hối hả của những gia đình đồng bào Mường đang chuẩn bị cho con em mình một đêm hội trăng rằm ý nghĩa nhất, đủ đầy nhất trong khả năng điều kiện của gia đình.
Anh Đinh Xuân Tuyên, Bí thư đoàn xã Cúc Phương chia sẻ: Không khí đón Tết Trung thu ở các bản, làng của các xã miền núi của huyện Nho Quan thường đến muộn hơn nhiều so với thành phố, thị trấn. Song không vì vậy mà đêm hội trăng rằm bớt đi sự đầm ấm, vui tươi, ý nghĩa. Trước đây, vì cuộc sống của bà con còn bộn bề khó khăn nên việc quan tâm chăm lo cho con em mình nhất là vào ngày Tết thiếu nhi chưa được nhiều. Còn bây giờ, dù điều kiện kinh tế vẫn chưa gọi là đầy đủ, song đồng bào Mường ở Cúc Phương cũng đã dành sự quan tâm nhất định cho con em mình. Không chỉ tạo mọi điều kiện cho con đến trường học tập, vui chơi, các gia đình còn chăm lo về mặt tinh thần cho con vào những ngày lễ, Tết, nhất là Tết của thiếu nhi.
Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Văn Ba ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương. Ông Ba đang chuẩn bị dụng cụ để làm đèn lồng cho các cháu. Ông Ba tâm sự, thời của ông hay của bố mẹ bọn trẻ, Tết Trung thu đơn thuần chỉ là một đêm có ánh trăng tròn vành vạch, là dịp để lũ trẻ trong xóm cố thức đợi đêm muộn, khi trăng tròn và trong nhất để ngước nhìn cho rõ hình ảnh Chú Cuội, chị Hằng trong những câu chuyện cổ. Thời ấy, gia đình nào có điều kiện lắm mới có thể tự tay làm cặp bánh nếp thắp hương lên tổ tiên. Còn bây giờ, nói đến Tết Trung thu là phải nói đến một cái Tết đầm ấm cho trẻ thơ. Cuộc sống của gia đình ông dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng vào ngày này, cả gia đình chung tay chuẩn bị cho bọn trẻ những cặp bánh dẻo, bánh nướng, rồi tự làm cho con cháu những chiếc đèn lồng, cây sáo… để các cháu có một đêm trông trăng ý nghĩa. Ngoài ra, trong dịp này, mỗi gia đình đều làm mâm cơm cúng tổ tiên. Chẳng phải mâm cao cỗ đầy cầu kỳ, chỉ là những món ăn đơn sơ đặc trưng của đồng bào Mường thôi, nhưng giây phút đầm ấm bên người thân thì cũng không kém bất cứ nơi nào.
Tại xã Kỳ Phú, Bí thư đoàn xã Đinh Thị Tình dẫn chúng tôi đến thăm bản Thường Sung, một bản cách trung tâm xã 12 cây số. Nằm hiền hòa sau bạt ngàn rừng, song không khí chuẩn bị cho đêm hội trăng rằm ở đây cũng đã khá sôi nổi. Ngay từ sớm, bọn trẻ con trong thôn đã tranh thủ học bài, giúp bố mẹ chút việc con con để chuẩn bị đi tập luyện các tiết mục sẽ tranh tài ở Đêm hội trăng rằm. Chị Đinh Thị Tình cho biết, Kỳ Phú là một xã miền núi, đồng bào dân tộc Mường chiếm phần lớn. Công tác đoàn, đội ở địa phương gặp khó khăn vì cán bộ đoàn ở cơ sở thường xuyên biến động. Dù vậy, cứ vào dịp Tết Trung thu là các anh, chị đoàn viên lại thu xếp mọi công việc để trở về quê tổ chức các hoạt động vui Trung thu cho thiếu nhi.
Đặc biệt, Kỳ Phú là nơi đồng bào Mường sinh sống khá đông nên còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng. Mặc dù những nét văn hóa riêng ấy ngày nay đã có nhiều mai một, song trong mỗi dịp Tết Trung thu, chúng tôi đều cố gắng để mỗi trò chơi ngoài tiêu chí là vui, hấp dẫn còn phải mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Để hấp dẫn được các em nhỏ, các anh chị trong chi đoàn là những người hướng dẫn, còn người thực hiện nhiệm vụ như: cắt giấy, làm hoa, làm đèn ông sao, đèn kéo quân... là các em nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố, múa kiếm, bắn nỏ, thi nấu cơm... Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích các em phát huy tính sáng tạo, cách làm hay để tự biên, tự diễn các tiết mục văn nghệ, trò chơi mang đậm nét văn hóa truyền thống, có những bài hát mang giai điệu của dân tộc mình. Nội dung của những câu hỏi trong phần thi "Hái hoa dân chủ" sẽ tập trung tìm hiểu về chủ đề Đội, về văn hóa dân tộc...
Trẻ em miền núi còn nhiều thiệt thòi, khó khăn hơn so với trẻ em ở các vùng, miền khác. Bởi vậy, Tết Trung thu là dịp để các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân và mỗi gia đình thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đến các em thiếu nhi thông qua các hoạt động thiết thực như tặng quà cho học sinh nghèo, cho thiếu nhi; tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ, giúp các em có một mùa trăng tròn vui tươi, ý nghĩa.
Đào Hằng