Đổi mới cách thức quán triệt, học tập Nghị quyết
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, việc quán triệt, học tập có những bước đổi mới, đã tập trung làm rõ những quan điểm, nội dung cơ bản, điểm mới của nghị quyết, liên hệ sát với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, 8 (khóa XI) dành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Ninh Bình để tất cả các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập. Đây là hình thức tổ chức học tập mới, đã phát huy hiệu quả thiết thực về chất lượng thông tin, sự bình đẳng về cơ hội tiếp nhận thông tin giữa các đối tượng, đảm bảo cho việc triển khai ở phạm vi rộng, trong thời gian ngắn, tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Qua học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, thống nhất cao về ý chí và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đẩy nhanh quá trình đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Được biết, để công tác học tập, quán triệt nghị quyết thực sự mang tính thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, đối phó, trong mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều xây dựng kế hoạch học tập, triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. Trong kế hoạch luôn xác định rõ về đối tượng, thời gian, nội dung học tập, tài liệu học tập ở các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy tùy thuộc vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai học tập, quán triệt ở cấp mình và các cấp ủy trực thuộc. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tiến hành việc quán triệt, nghiên cứu, học tập nghị quyết ở cấp mình theo hướng nhanh, gọn và hiệu quả.
Phát huy thế mạnh của đội ngũ báo cáo viên
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.559 báo cáo viên các cấp: trong đó có 5 báo cáo viên Trung ương; 50 báo cáo viên cấp tỉnh; 390 báo cáo viên cấp huyện và tương đương; 1.114 báo cáo viên cấp xã, phường, thị trấn và tương đương. Xác định việc quán triệt, nghiên cứu, học tập nghị quyết là nội dung sinh hoạt chính trị rất quan trọng nên Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy rất chú trọng việc bố trí báo cáo viên. ở cấp tỉnh, tùy vào nội dung học tập, tình hình cụ thể của mỗi đợt tổ chức học tập, nghiên cứu nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí báo cáo viên cho phù hợp, đảm bảo phát huy sở trường của từng báo cáo viên. ở cấp huyện và tương đương, một số đồng chí báo cáo viên được tham dự hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết ở cấp tỉnh để về truyền đạt lại các nội dung, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết tại địa phương, đơn vị mình.
Qua theo dõi cho thấy, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị, việc bố trí báo cáo viên truyền đạt nghị quyết cũng rất linh hoạt. Một số huyện ủy mời báo cáo viên của tỉnh về truyền đạt, một số bố trí báo cáo viên của cấp mình xuống tận cơ sở để truyền đạt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên. Một số đơn vị giao cho các đồng chí đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng chủ trì quán triệt cho cơ quan, đơn vị mình. Nhìn chung, báo cáo viên được phân công phần lớn có khả năng truyền đạt tốt, làm việc có trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình truyền đạt, đội ngũ báo cáo viên luôn bám sát nội dung của từng nghị quyết, nhấn mạnh những nội dung trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực đối với điều kiện đặc thù của địa phương…
Theo đồng chí Phan Hương Lan, Trưởng phòng Huấn học-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Qua khảo sát tại cơ sở cho thấy, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập, quán triệt nghị quyết luôn đạt trên 90%, trong đó người thích thú khi tham gia học tập, quán triệt nghị quyết chiếm gần 72%, hơn 78% đảng viên đánh giá các lớp học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng đáp ứng được yêu cầu. Đánh giá cụ thể kết quả đạt được khi tham gia các lớp học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại các xã, phường, thị trấn, người nghe hiểu được nội dung nghị quyết, chỉ thị chiếm gần 85%; có tới gần 90% đảng viên mong muốn báo cáo viên truyền đạt nghị quyết trực tiếp... Đó chính là những kết quả đáng ghi nhận và đánh giá sự nỗ lực của đội ngũ báo cáo viên trong việc truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Xuân Trường