Từ đây, xuất hiện nhiều "chiêu" quản lý con khá độc đáo của các bậc phụ huynh. Nhưng liệu rằng, những "chiêu" quản lý đó có thực sự hiệu quả như mong đợi?!
Tận dụng giải pháp "Học kỳ 3"...
Vừa nhìn thấy tôi, thằng bé lớn nhà anh cả đã phụng phịu: Cô ơi, cháu vừa mới được nghỉ hè mà bố, mẹ cháu đã bắt cháu phải đi học thêm. Năm học vừa rồi, cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi chứ có phải cháu học kém đâu? Mấy bạn ở lớp cháu khoe, hè này các bạn được bố, mẹ cho đi học võ, học bơi, học đánh cờ và cả học vẽ nữa. Cô nói với bố mẹ cho cháu đi sinh hoạt hè ở nhà thiếu nhi như các bạn cơ... Tội nghiệp, thằng bé còn chưa nói hết đã bị mẹ nó "nạt": Không học võ vẽ gì cả, nghỉ mấy hôm cho khỏe rồi mẹ tìm lớp cho con học thêm. Rồi chị quay sang tôi phân trần: Thằng bé hiếu động lắm. Anh, chị bận hàng quán suốt ngày nên chẳng có thời gian mà để mắt tới cháu. Cho cháu đi học thêm là "một mũi tên trúng hai đích" đấy. Thứ nhất, chị khỏi lo nó đá bóng, đạp xe ngoài đường, như vậy là tránh được tai nạn thương tích. Thứ hai, cô xem, bây giờ thi cử ngày càng khó. Sang năm, cháu cô đã học lớp 4 rồi, đành rằng cháu học cũng khá nhưng nếu không tích cực rèn luyện ngay từ bây giờ thì làm sao "vào" được trường chuyên, lớp chọn?
Không nhiều tham vọng như chị dâu tôi, nhưng vợ chồng chị Quyên (thị xã Tam Điệp) cũng áp dụng giải pháp học kỳ 3 đối với cậu con trai dịp hè này. Chị Quyên nói: Cháu nhà tôi sang năm lên lớp 8, lực học của cháu vào loại "thường thường" thôi. Cho cháu đi học thêm, chẳng phải vì tôi đặt áp lực học hành lên vai cháu. Mà cái chính, là sẽ có cô giáo quản lý cháu trong dịp hè này. Vợ chồng tôi đều là công nhân bận làm "ca, kíp" cả ngày. Vì vậy, không có điều kiện cho cháu đi sinh hoạt hè ở Nhà văn hóa. Để cháu ở nhà thì chúng tôi không yên tâm. Bởi thực tế đã có quá nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em vào mỗi dịp hè, mà nguyên nhân chủ yếu là do các cháu không có chỗ chơi. Vì vậy, tôi cho cháu đi học hè. Cháu đến lớp, học thêm được chữ nào thì tốt chữ đó vẫn còn hơn là để nó la cà đi chơi game ở các quán Internet...
Quả thực, những lo ngại của chị Quyên là hoàn toàn có cơ sở. Gần đây, với việc ra đời của hàng loạt các trò chơi trực tuyến (game online) đã lôi cuốn các em tham gia. Nhiều em đã bị "nghiện" tới mức quên ăn, quên ngủ, suốt ngày không rời khỏi máy vừa hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng xấu đến học tập. Điều đáng lo ngại hơn nữa là có nhiều trò chơi bạo lực với những cảnh bắn phá, chém giết đẫm máu lôi cuốn các game thủ vào "thế giới ảo", cũng say máu chém giết ham muốn dành phần thắng. Thực tế, đã xảy ra những vụ án đau lòng, do thiếu tiền chơi game, thiếu tiền mua các loại vũ khí có sức công phá lớn trong cái thế giới ảo, có những đứa trẻ đã phạm tội giết người, cướp của...
... Đến giải pháp đưa con ra đồng
Còn đang thiu thiu ngủ, thằng Việt- con trai chị L. (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) đã bị mẹ đánh thức: "Dậy, ra đồng với mẹ nào. Đi sớm rồi về sớm cho mát. Sáng nay nhà mình nhổ có vài thước lạc thôi, chịu khó một chút con ạ." Cu Việt uể oải ngồi dậy. Năm nay mới 8 tuổi, sức vóc nó còi cọc thế này thì giúp được bố mẹ việc gì ngoài đồng? Chị L. giải thích: "Nó còn nhỏ thế nên đã giúp được gì nhiều đâu. Cũng vì thương con nên tôi mới để cháu đi theo cho yên tâm. ở trên phố, trẻ con còn có chỗ mà đi sinh hoạt hè, chứ ở nông thôn thì bọn trẻ biết chơi ở đâu? Không có chỗ chơi, chúng nó hò nhau đi tắm, đi thả diều, đá bóng ngoài đê nguy hiểm lắm. Năm nào "thủy thần" chẳng "bắt" đi vài đứa? Vậy nên từ khi cháu nghỉ hè, tôi đưa cháu đi làm cùng. Vừa để dễ quản lý và quan trọng nữa là rèn cho cháu ý thức giúp đỡ cha mẹ...". Còn thằng bé thì nhăn nhó: Ra ngoài đồng với bố mẹ chán lắm cô ạ, cháu thích được ở nhà chơi hơn. Cháu xem ti vi thấy các bạn được đi chơi công viên, được đi học võ, thi hát Hoa phượng đỏ… thích thật đấy. Cháu cũng ước được như các bạn...
Ước mong của cu Việt cũng là mong mỏi của hầu hết những em nhỏ ở nông thôn và luôn là trăn trở của các cấp, ngành, đoàn thể. Hiện nay, đã có 125 xã, phường, thị trấn trong tỉnh dành quỹ đất và đầu tư xây dựng được các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em với tổng số 727 điểm vui chơi cho trẻ em ở thôn, xóm, phố, khu dân cư. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy hiệu quả các điểm vui chơi này thì vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Không có chỗ vui chơi, sinh hoạt, bọn trẻ tập trung nhau ra các ngã ba đầu làng, ven các quốc lộ chạy qua thôn mà chơi. Chúng đá bóng, đá cầu dưới lòng đường, trêu đùa những người qua đường… Chơi chán, chúng hò nhau đi tắm sông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng do nguyên nhân này. Mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn đằng sau không chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn là hàng loạt những tệ nạn xã hội. Theo đánh giá chung của các ngành chức năng, thì hiện tượng trộm cắp, đánh nhau, ma túy… ở lứa tuổi học sinh đang có nguy cơ phát triển diện rộng ở các khu vực nông thôn.
Thay lời kết
Trong khi áp lực của việc học tập ngày càng cao, thì nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em cũng vì thế mà tăng lên. Từ thực tế đó, nhiều năm qua các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta đã nỗ lực nhằm tạo ra được nhiều sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Bằng chứng là đã có hàng loạt Nhà văn hóa cấp huyện, các trung tâm vui chơi dành cho thanh, thiếu nhi được thành lập và đi vào hoạt động. Song, những kết quả đó mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi của một bộ phận trẻ em.
Mùa hè năm nay, vẫn còn rất nhiều trẻ em băn khoăn chưa biết chơi gì và ở đâu. Theo thống kê, vào mỗi kỳ nghỉ hè trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn thương tích đối với trẻ em. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cứ vài ba ngày lại đưa tin về các vụ chết đuối, có những vụ nguyên nhân chỉ là những cái hố, cái vũng trên các công trình đang thi công bị ngập do mưa nhiều...
Thực trạng đó khiến các bậc phụ huynh rất lo ngại và đã tích cực vào cuộc. Sự vào cuộc đó rất kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần hướng con em vào những hoạt động thiết thực, bổ ích thay vì cố "gò" con em mình vào những khuôn khổ cứng nhắc để thỏa mục đích "dễ bề quản lý" như một vài trường hợp bài viết đã nêu. Có như vậy, trẻ em mới thực sự được hưởng trọn vẹn những ngày hè bổ ích, góp phần phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Bài, ảnh: Đào Hằng