Chuyển đổi HTX theo Luật ở Ninh Bình đã tạo ra động lực cơ bản cho loại hình kinh tế này đi lên, xóa bỏ cơ chế làm ăn bao cấp của HTX cũ. Toàn tỉnh hiện có 369 HTX với 257 HTX nông nghiệp, 26 quỹ tín dụng nhân dân, 16 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX thủy sản, 1 HTX trang trại…. với trên 218.834 xã viên. Cùng với sự phát triển về số lượng, hình thức hoạt động của các HTX cũng đa dạng hơn. Nhìn chung các HTX sau chuyển đổi đều củng cố, đổi mới nội dung hoạt động, sửa đổi điều lệ, xác định rõ hơn tư cách cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của xã viên đối với HTX. Bộ máy quản lý được tổ chức, sắp xếp gọn nhẹ hợp lý hơn. Tính dân chủ được phát huy trong tất cả các khâu, từ bàn thảo phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh đến công khai tài chính, làm rõ các khoản phải thu phải chi, phân phối lợi nhuận và sử dụng các quỹ. Từ đó tài sản, vốn quỹ của các HTX được bảo toàn và phát triển qua các năm, thu nhập xã viên tăng lên và sản xuất kinh doanh của HTX ngày một phát triển. Đối với các HTX nông nghiệp, sau khi chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật HTX, nhiều HTX đã tiếp nhận quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, lưới điện, đồng thời phát triển thêm ngành nghề, tổ chức được các dịch vụ kinh doanh tổng hợp phục vụ sản xuất và đời sống của xã viên về thủy lợi, điện, giống và bảo vệ thực vật cũng như đóng vai trò tiêu thụ nông sản, hàng hóa của nông dân. Vì thế kinh tế HTX đã thực sự là "bà đỡ" để kinh tế hộ gia đình phát triển. Mặt khác, HTX còn làm chỗ dựa cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa những tiến bộ kỹ thuật về trồng cây, vật nuôi đến với nông dân như đưa giống lúa lai, ngô lai, nuôi bò lai sind, nuôi lợn hướng nạc, nuôi gà công nghiệp, nuôi vịt siêu trứng…. đem lại hiệu quả cao. Đối với các HTX phi nông nghiệp, mặc dù mới được thành lập nhưng đã phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Các HTX này từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Xã viên được chia lợi nhuận, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động khu vực nông thôn…
Bên cạnh những thành công đó, hoạt động theo cơ chế thị trường, không ít HTX vẫn còn tỏ ra khá lúng túng, chưa thực sự nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, nên kinh tế HTX tăng trưởng chậm. Trong số những HTX còn hoạt động có 48% HTX trung bình và 15% HTX yếu kém, chỉ có khoảng 37% là vẫn hoạt động tương đối tốt. Đồng chí Phạm Mạnh Hà, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, số HTX trung bình, yếu kém chiếm tỷ lệ cao trên 50% có nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu do các HTX gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, bởi sự hạn chế cho vay từ phía các Ngân hàng và Quỹ tín dụng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, đào tạo nhân lực, công nghệ, chính sách đất đai… chưa phát huy tác dụng tích cực đối với khu vực kinh tế tập thể. Mặc dù Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, ngành chức năng tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kế toán, tập huấn quản lý HTX…cho ba chức danh chủ chốt cho cán bộ HTX, nhưng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu đào tạo của các HTX trong xu thế hiện nay.
Theo đồng chí Đinh Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Khánh Phú: còn có khó khăn nữa đối với các HTX chính là mặt bằng sản xuất. Hiện ngoài HTX nông nghiệp có nhu cầu về đất đai để trồng trọt, chăn nuôi, nhiều HTX phi nông nghiệp có nhu cầu được cấp đất để làm trụ sở, phòng giao dịch, xưởng sản xuất, bãi đậu xe, kho chứa hàng... Thế nhưng, thời gian qua còn ít trường hợp được giải quyết, nếu được cấp cũng chưa ổn định và chưa có "bìa đỏ". Việc chưa được giao đất ổn định đã khiến cho nhiều HTX, nhất là các HTX tiểu thủ công nghiệp không thể mở rộng sản xuất, không dám huy động vốn và kết nạp thêm xã viên mới.
Để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển và hoạt động có hiệu quả, cấp ủy và chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, nhanh chóng khắc phục những tồn tại trên. Đi đôi với củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, cần quan tâm vận động thành lập HTX ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng đa dạng hóa loại hình, quy mô HTX với nhiều mức độ hợp tác khác. Các HTX cùng ngành nghề, hoạt động trên một địa bàn có thể liên kết với nhau nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Nhờ đó, các HTX có thể đảm nhận được nhiều khâu hơn trong "chuỗi giá trị" như cung ứng vật tư với giá rẻ nhờ có thể "mua tận gốc, bán tận ngọn" hoặc tiêu thụ nông sản với khối lượng lớn. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa vai trò của Liên minh HTX tỉnh và các ngành chức năng trong việc giúp đỡ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, các mô hình trang trại VAC lập thành các HTX. Đặc biệt là việc đề xuất với các cấp có thẩm quyền cấp đất cho các HTX có nhu cầu thuê mặt bằng lâu dài và việc hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại. Hiện nay, nhu cầu về vốn là vấn đề cấp thiết nhất, trong điều kiện các Ngân hàng, Quỹ tín dụng hạn chế cho vay. Liên minh HTX tỉnh đề nghị với tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm tạo điều kiện cho các HTX được vay vốn phát triển sản xuất.
Kinh tế HTX hoạt động có hiệu quả cũng đồng nghĩa với tăng thu nhập cho người nghèo, đồng thời còn là đòn bẩy cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp- nông thôn. Do vậy giải quyết khó khăn vướng mắc thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển cần đặt trong tổng thể phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất định kinh tế HTX sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới
Bài, ảnh: Quốc Khang