Được biết, phương thức tổ chức các môn thi, bài thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017. Nội dung thi bao gồm chương trình lớp 12 và lớp 11, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; trong đó tăng số câu hỏi phân hóa để đảm bảo tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường đại học. Đồng thời vẫn giữ nguyên phương thức thi trắc nghiệm, với thời gian làm bài tương đối ngắn: Ngữ Văn (120 phút), Toán (90 phút), các môn khác của tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học và các môn tổ hợp khoa học xã hội gồm các bài thi Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, mỗi môn 50 phút. Riêng đề thi môn ngoại ngữ có thời gian 60 phút với 50 câu hỏi.
Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, so với đề thi minh họa năm 2017, năm nay đề khó hơn, kiến thức có thêm chương trình lớp 11 chứ không chỉ của lớp 12 như năm ngoái. Đặc biệt, hầu hết các môn đều có sự phân hóa sâu và học sinh không dễ dàng đạt các điểm tối đa như năm ngoái.
Đối với bộ môn Toán, đề thi minh họa năm nay hay, phân hóa rõ, gồm 50 câu trắc nghiệm của kiến thức lớp 11 và lớp 12, thời gian làm bài 90 phút. Thầy giáo Đinh Cao Thượng, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin, Trường THPT Kim Sơn A cho biết: Đề thi minh họa môn Toán được sắp xếp từ dễ đến khó nên khi cầm đề học sinh có thể làm một lượt từ trên xuống dưới. Trong đó, khoảng 30 câu đầu dành cho học sinh trung bình, trung bình khá có thể làm gần hết được. Còn những câu từ số 30 trở đi, độ phân hóa rất rõ, đòi hỏi học sinh phải học chắc kiến thức mới làm được.
"Đánh giá một cách khách quan, đề minh họa năm nay khá hay, có độ phân hóa cao hơn năm ngoái, hệ thống kiến thức trải rộng. Trong số 50 câu hỏi thì có tới 11 câu thuộc về kiến thức chương trình lớp 11, trong đó có 4 câu phân hóa, chiếm khoảng 25%. Vì vậy, học sinh thi khối tự nhiên hoặc học sinh trường chuyên mới có thể làm được điểm 9-10, còn học sinh có học lực trung bình và khá chỉ có thể đạt 6-7 điểm. Đặc biệt, vì đề có độ phân hóa cao nên đòi hỏi học sinh ngoài nắm kiến thức tốt còn phải có tư duy Toán học mới có thể làm tốt bài thi" - thầy giáo Đinh Cao Thượng cho biết thêm.
Cũng theo nhiều giáo viên dạy Toán, đề thi không chỉ có các bài tập vận dụng mà còn có rất nhiều câu hỏi lý thuyết và cả ứng dụng thực tế, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và có hiểu biết rộng. Với cách ra đề khó và mang tính phân loại cao, đặc biệt những câu mang tính chất vận dụng có thể rơi bất kỳ vào một mảng kiến thức nào nên đòi hỏi học sinh phải ôn tập rất kỹ và sâu, trong khi thời gian không còn nhiều, do vậy học sinh, ngoài tranh thủ thời gian ôn luyện theo các thầy, cô giáo dạy trên lớp, cần tranh thủ giải các bộ đề trên mạng, đề của các giáo viên tự biên soạn và cả học thêm từ bạn bè theo tổ, nhóm…, để có kiến thức vững vàng và hình thành phản xạ nhanh khi vào thi thực tế ở các dạng bài trắc nghiệm.
Em Trần Thị Hoài Phương, học sinh lớp 12, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, các thầy, cô giáo và chúng em đã rất quan tâm và nhanh chóng nắm bắt để tham khảo các bộ đề. Em xác định thi tổ hợp bộ môn xã hội để xét tuyển Đại học nên rất quan tâm đến các môn xã hội. Qua xem đề minh họa môn Ngữ văn và so sánh với đề thi năm ngoái của các anh chị, em nhận thấy, đề thi năm nay khó và có tính phân loại cao hơn. Đề thi vẫn gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm), nhưng lại có kiến thức bao phủ ở cả lớp 11 và 12, trong đó kiến thức lớp 11 chiếm đến 30% trong câu nghị luận văn. Phần nghị luận khá là khó, đòi hỏi học sinh có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, đồng thời biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản, do đó phần này phù hợp hơn với các bạn học sinh giỏi văn thi khối C và các lớp chuyên, còn đối với các bạn học ban A và các bạn có sức học môn Văn trung bình thì sẽ gây tâm lý lo lắng và "sợ". Hơn nữa, dạng đề như vậy cần phải có thời gian từ 150-180 phút làm bài, chứ chỉ có 120 phút như hiện nay là không thể đủ cho chúng em làm bài.
ở các môn thi khác như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, đều có tỷ lệ kiến thức lớp 11 chiếm từ 20-30%, trong đó nhiều môn như Lý, Hóa, Sinh có từ 50-60% là lý thuyết. Riêng đối với môn Lịch sử, theo cô giáo Phạm Thị Loan, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Ngô Thì Nhậm (thành phố Tam Điệp), đề thi minh họa năm nay khá khoa học và phù hợp, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong các nhà trường. Đề gồm 40 câu hỏi, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 với 32 câu, chiếm 80%; còn lại chương trình lớp 11 với 8 câu, chiếm 20%. Nội dung phần lịch sử thế giới có 12 câu, chiếm 30%, lịch sử Việt Nam có 28 câu, chiếm 70%. Đề thi bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức theo 4 cấp độ, nếu làm để đạt điểm 5-6 thì không khó, nhưng để đạt điểm 7-8 thì không dễ với năng lực chung của học sinh hiện nay. "Đề thi năm 2017 nằm trọn trong chương trình lớp 12, nhưng năm nay lại mở rộng sang lớp 11 nên rất nhiều học sinh lo lắng. Tuy nhiên, với đề thi minh họa này đã giúp các em bớt hoang mang và có kế hoạch ôn thi khoa học, hợp lý nhất. Nói chung kiến thức lớp 11 của đề cũng tương đối đơn giản, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ làm bài đạt điểm trung bình trở lên." - cô Loan chia sẻ thêm.
Như vậy, khác với năm 2017 có đến 3 lần Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, còn năm nay, Bộ chỉ công bố 1 bộ đề thi tham khảo duy nhất. Điểm khác của đề minh họa năm nay là có một phần, chiếm khoảng 1/3 kiến thức lớp 11, vì vậy học sinh phải có hình thức ôn luyện khái quát các dạng kiến thức từ lớp 11 đến lớp 12. Đặc biệt, các bộ đề đều tăng các câu hỏi phân hóa để đảm bảo tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường đại học. Đối với tỉnh Ninh Bình, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, ngày 25/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có Công văn số 97 về việc giới thiệu bộ đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Công văn gửi hiệu trưởng trường THPT, giám đốc Trung tâm GDTX, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, yêu cầu thực hiện ngay một số nội dung như: Tải bộ đề thi về làm căn cứ để hướng dẫn cho học sinh (học viên) ôn tập. Tuyên truyền, thông tin đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về bộ đề thi tham khảo của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, đặc biệt là những thông tin mới như phổ kiến thức, độ khó, cách hỏi... để phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và ôn tập của học sinh. Đồng thời yêu cầu các trường THPT có kế hoạch định hướng học tập, ôn luyện phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, phấn đấu kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao nhất.
Mỹ Hạnh