Đê tả Hoàng Long cùng với đê Đầm Cút (14 km) và đê Hữu Đáy (8,3 km) tạo thành một vòng tròn khép kín chống lũ bảo vệ an toàn cho khu công nghiệp Gián Khẩu, Quốc lộ 1A, khu trung tâm kinh tế - chính trị, bảo vệ sản xuất, cuộc sống của hàng nghìn cư dân của huyện Gia Viễn. Với chiều dài 23,875 km, đê tả Hoàng Long chạy từ địa bàn xã Gia Hưng đến xã Gia Trấn.
Với người dân Gia Viễn, đê Hoàng Long đã gắn bó chặt chẽ, song hành với sự sinh tồn của họ. Được xác định là một trong những phòng tuyến ngăn lũ chính cho cư dân đồng chiêm nên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tuyến đê luôn được chú trọng.
Ngay từ những năm từ 1989 - 1991, theo dự án PAM 3351 (một tổ chức Thế giới), tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp, trong đó Bộ Thủy lợi, nay là Bộ Nông nghiệp - PTNT làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trải qua nhiều trận mưa lũ lớn, tuyến đê tả và các công trình dưới đê như cống, nhà điều hành đều đã bị xuống cấp. Bên cạnh đó, ngày nay tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng từ việc biến đổi khí hậu toàn cầu, bão nhiều, mưa lớn, lũ lên cao trên các triền sông càng đặt ra những đòi hỏi bức thiết là phải có sự đầu tư nâng cấp kịp thời các tuyến đê trọng điểm, trong đó có đê tả Hoàng Long.
Được sự quan tâm của Trung ương, các Bộ, ngành, của các cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương, những năm gần đây tuyến đê trọng điểm này đang được củng cố, đầu tư, nâng cấp, tu bổ xứng tầm. Theo dự án, Đê tả Hoàng Long được củng cố nâng cấp thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2006 đến 2007, bao gồm việc đắp đất, hoàn thiện mặt cắt theo chỉ tiêu thiết kế, đổ bê tông, gia cố mặt đê...Tổng mức đầu tư cho giai đoạn I đạt trên 70 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Trung ương.
Sau quá trình tích cực thực hiện, cho đến nay công trình đã triển khai cơ bản đúng tiến độ, phục vụ tốt công tác phòng chống lụt bão của tỉnh, đặc biệt là đảm bảo an toàn chống lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 5 hồi tháng 10-2007 gây ra. Nhiều hạng mục đã được thi công xong. Đã đắp đất hoàn thiện mặt cắt đê toàn tuyến, dài 23,875 Km, chiều rộng mặt đê chưa đổ bê tông rộng 7,8 m. Trên đê đã được trồng cỏ để chống sói mòn và rải đá cấp phối toàn tuyến. Cao trình mặt đê dao động từ K0(+6.8) đến K23 + 875(+6.2). Riêng đoạn đê dài 3,5 km, từ K0 - xã Gia Hưng đến K3+500 - xã Liên Sơn đã được gia cố cứng hóa mặt đê bằng bê tông mác M250, dày 20 cm, rộng từ 4,5 m đến 5 m; đoạn từ xã Gia Phú đến xã Gia Thịnh được khoan phụt vữa gia cố đê dài 2 km. Các hạng mục quan trọng khác cũng được tích cực triển khai đồng bộ như xây mới các cống Cầu Thầu, Tân Hưng, Đồng Chưa, Ngô Đồng, Đông Khê, Tiên Yết; nối dài, tu sửa cống xả trạm bơm Gia Tiến, Tiên Yết, Gia Tâm, Thiệu; xây mới 5 điếm canh đê, đắp và đổ bê tông các dốc lên đê; xây dựng 2 bến đò Chấn Hưng, Đông Khê.
Mùa mưa bão đã đến, các hạng mục nâng cấp tuyến đê giai đoạn II (từ 2008 đến 2010), với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như chống hiện tượng thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi sát chân đê, kết hợp đổ bê tông cải thiện đường giao thông trong khu vực đang tiếp tục được triển khai, đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo chống lũ cho nhân dân khu tả ngạn sông Hoàng Long. |
|
Các hạng mục cụ thể được thi công là đắp đất mở rộng mặt đê, thân đê, đảm bảo mặt đê rộng 7 m, trong đó đổ bê tông rộng từ 6 m, dày 20 cm; đắp mở rộng cơ đê 6m, mái đê, trồng cỏ bảo vệ; đắp lấp đầm sát chân đê; đắp đất, trồng tre chắn sóng phía sông, khoan phụt gia cố đê...
Từ sự đầu tư nâng cấp, đẩy nhanh triển khai thi công các hạng mục công trình, diện mạo vững chãi, kiên cố của tuyến đê tả Hoàng Long đang dần hình thành. Và có thể nhận thấy sự hữu ích rõ nét của nó mang lại những năm qua đối với tỉnh ta nói chung, Gia Viễn nói riêng, nhất là vùng phát triển công nghiệp Gián Khẩu. Tuyến đê như tấm lá chắn hiên ngang che chở, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của cho nhân dân trong các đợt mưa bão thời gian qua. Nhân dân trong vùng yên tâm tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hoàng Tâm