Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết sự cần thiết của việc ban hành Quy định số 10 - QĐi/TU ngày 14/1/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Vấn đề nêu gương, làm gương, noi gương không phải bây giờ Đảng ta mới đặt ra. Trong gần 90 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng bằng nhiều phương thức, phương pháp, cách thức; trong đó, nêu gương, làm gương, noi gương của cán bộ, đảng viên là một phương thức lãnh đạo quan trọng. Nêu gương là phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả, là công cụ và là thuộc tính của người lãnh đạo. Chúng ta vẫn thường nói "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" cũng chính là về vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Ai muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là tấm gương và phải biết nêu gương. Cán bộ giữ cương vị, trọng trách càng cao thì càng phải nêu gương lớn.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101- QĐ/TW ngày 07/6/2012 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp"; Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên"; Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương". ở tỉnh ta, thực hiện các quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 765 - QĐ/TU ngày 05/11/2012 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định chủ đề công tác hàng năm gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Thực hiện các quy định nói trên, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh ngày càng nâng lên; tạo chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng nhận thấy, trong quá trình triển khai thực hiện, nhận thức và trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa đạt được như yêu cầu đề ra. Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; cá biệt có đồng chí là người đứng đầu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, gây dư luận xấu trong Nhân dân. Mặt khác, các quy định trước đây chưa xác định cụ thể nội dung nêu gương của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trong khi, việc nêu gương của các đồng chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, khi Trung ương ban hành Quy định 08, tỉnh cũng cần có một quy định về tiếp tục thực hiện các Quy định nêu gương, trong đó tập trung xác định trách nhiệm nêu gương của ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Từ những lý do nêu trên, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI; đồng thời, để đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ đề công tác năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất ban hành Quy định số 10 - QĐi/TU ngày 14/01/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Sau đây viết là Quy định số 10).
PV: Xin đồng chí khái quát những nội dung cơ bản của Quy định số 10 về trách nhiệm nêu gương?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Quy định số 10 gồm 4 điều. Điều 1 thể hiện tính phổ quát của vấn đề, quy định nội dung có tính nguyên tắc, đó là tất cả cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đều phải nghiêm chỉnh chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành. Điều 2 quy định 10 nội dung cụ thể mà các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Điều 3 quy định 10 nội dung mà các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Điều 4 về tổ chức thực hiện nêu rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong việc triển khai thực hiện quy định. Trong quy định nêu rõ 10 xây, 10 chống theo nguyên tắc "có xây, có chống và xây trước, chống sau". Điểm cốt lõi của Quy định là "cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, đi đầu trong việc nêu gương để cấp dưới học tập, noi theo; đảng viên phải nêu gương trước quần chúng" và nhấn mạnh trước hết là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Điểm khác biệt Quy định số 10 của Tỉnh ủy với Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương là Quy định của tỉnh cụ thể hơn, chi tiết hơn, gắn với thực tiễn của Đảng bộ cũng như những vấn đề phát sinh từ cơ sở, sát với đối tượng là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Vì thế, nếu như ở Trung ương là "8 xây, 8 chống" thì trong Quy định của tỉnh là "10 xây, 10 chống", nhưng thống nhất ở trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, với chức trách, nhiệm vụ được giao.
PV: Quy định số 10 được ban hành vào dịp toàn Đảng bộ đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019). Vậy xin đồng chí cho biết những giải pháp để đưa Quy định sớm đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy hiệu quả?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Tổ chức học tập, quán triệt Quy định số 10 nghiêm túc, hiệu quả để nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng thời khi triển khai thực hiện Quy định số 10 cần tiếp tục thực hiện Quy định số 101, Quy định số 55 của Trung ương và Quy định số 765 của tỉnh, trong đó chú trọng việc nêu gương của các đồng chí cấp ủy viên cấp tỉnh. Gắn việc thực hiện Quy định với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ đề công tác năm 2019 của Tỉnh ủy "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách công tác quần chúng, dân chủ; tôn trọng Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân; nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu".
Hai là: Đẩy mạnh việc tuyên truyền Quy định số 10 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chú trọng tuyên truyền để nhân rộng những tấm gương điển hình, tiên tiến từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Các cơ quan báo chí mở chuyên mục để thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Quy định số 10; phản ánh kịp thời những cách làm mới, sáng tạo từ cơ sở; giới thiệu, phản ánh các cán bộ, đảng viên nêu gương sáng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nêu gương và noi gương là thực hành đạo đức; muốn nêu gương thì nói phải đi đôi với làm, phải lấy việc tốt, người tốt để tuyên truyền; nói ít làm nhiều, nói được làm được.
Những tấm gương tốt phải được tôn vinh. Những thói hư, tật xấu phải được đấu tranh xóa bỏ, tránh cào bằng hoặc không công bằng. Những việc làm xấu nếu không được phản đối mà còn thậm chí cổ xúy, che đậy bằng việc nể nang, né tránh, cơ hội, xu nịnh sẽ làm mất giá trị của việc nêu gương, làm gương và noi gương.
Ba là: Trong việc triển khai Quy định số 10 phải thấm nhuần phương châm "có xây, có chống và xây trước, chống sau", theo tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực" để Quy định thực sự trở thành động lực cho cán bộ, đảng viên phấn đấu làm theo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 10; nhất là giám sát của cán bộ, đảng viên đối với người đứng đầu, của cấp dưới đối với cấp trên trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Phải phát hiện cho được những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ khi mới manh nha để ngăn chặn kịp thời.
Năm là: Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện việc nêu gương; thường xuyên tự soi, tự sửa theo 90 biểu hiện suy thoái đã được nhận diện trong Hướng dẫn số 04, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định; đồng thời là căn cứ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ. Kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới, không có "vùng cấm" trong triển khai thực hiện.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Thu