Chúng tôi đến Trường Tiểu học Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) là một trong những trường được ghi nhận là có hoạt động thư viện tương đối tốt với 2 phòng đọc khang trang dành riêng cho học sinh, có 7 tủ sách với nhiều đầu sách phong phú, gồm sách tham khảo, sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, truyện tranh... được sắp xếp một cách khoa học để cho giáo viên và học sinh dễ dàng chọn lựa. Hoạt động thư viện luôn được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, chú trọng với nhiều hoạt động phong phú được tổ chức thường xuyên như: "Ngày hội triển lãm giới thiệu sách, báo", "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay"... Vì vậy, các em học sinh của trường rất hào hứng khi tham gia các hoạt động thư viện.
Theo đồng chí Ngô Văn Thứ, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Sở GD-ĐT, đầu năm học Sở đã xây dựng kế hoạch công tác thư viện, chỉ đạo các đơn vị trường học phấn đấu đạt thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến và thư viện xuất sắc. Để thư viện trong các trường học có điều kiện hoạt động tốt, hàng năm các trường học đều dành kinh phí là 2% từ tổng kinh phí hàng năm của trường để mua thêm đầu sách và trang thiết bị cần thiết.
Trong năm 2010 để thực hiện tốt phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, Dự án Việt - Bỉ cũng đã cung cấp cho Sở GD&ĐT Ninh Bình sách và tài liệu giới thiệu về "Thư viện trường học thân thiện". Đặc biệt trong năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT đã đẩy mạnh hoạt động thư viện bằng cách đưa thư viện đến gần học sinh hơn thông qua các tiết học.
Cụ thể là trong các trường Tiểu học và THCS mỗi tuần học sinh được dành riêng một tiết để mượn sách, thông qua hình thức đọc theo nhóm để học sinh có thể nghiên cứu, trao đổi, học hỏi và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn tích cực tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đi đến từng trường học để rà soát thực trạng thư viện, hàng năm tổ chức công nhận danh hiệu thư viện đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc cho các trường học trong toàn tỉnh.
So với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng thì thư viện trường học của tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc nằm trong tốp đầu. Công tác thư viện hàng năm đều được Bộ GD&ĐT được đánh giá cao. Hiện nay toàn tỉnh có 150 trường Tiểu học và 142 trường THCS, 27 trường THPT hầu hết các trường đều có thư viện. Qua khảo sát, năm học 2012 - 2013, có 97,9% thư viện trường học đạt chuẩn, có 74,5% thư viện trường học tiên tiến và có 45% thư viện trường học xuất sắc.
Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống thư viện trường học còn nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết như: Chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện hiện vẫn chưa đồng bộ, còn kiêm nhiệm, một số chưa đạt yêu cầu chuyên môn đề ra.
Hiện nay toàn tỉnh đội ngũ cán bộ thư viện trong các trường Tiểu học, THCS, THPT là 319 người, trong đó biên chế 175 người, hợp đồng 45 người, còn lại là kiêm nhiệm và chuyên trách 99 người. Đa số cán bộ thư viện trường học chưa qua lớp nghiệp vụ đào tạo chuyên môn; người làm công tác thư viện chuyên trách ngoài lương không được hưởng phụ cấp độc hại.
Do sự đầu tư, nâng cấp thư viện trường học chưa được thường xuyên nên cơ sở vật chất thư viện còn có phần nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn đối với học sinh. Một phụ huynh có con đang học THCS tại thành phố Ninh Bình cho biết: "Con trai tôi năm nay học lớp 9 nhưng khi tôi hỏi con có hay xuống thư viện đọc sách không, cháu trả lời ở trường con cũng có thư viện nhưng rất ít bạn thường xuyên lên thư viện". Một tình trạng chung hiện nay đó là học sinh chưa có thói quen đến thư viện để mượn sách, báo. Đồng thời, lịch học dày đặc đã khiến cho các em không còn thời gian đọc sách.
Qua tìm hiểu thực tế ở một số trường trên địa bàn thành phố Ninh Bình chúng tôi nhận thấy thư viện trường học chưa đạt được quy chuẩn đề ra, như còn thiếu bàn ghế, đầu sách chưa phong phú, các danh mục sách sắp xếp chưa được ngăn nắp, gọn gàng…
Thiết nghĩ, để thư viện trường học phát huy hiệu quả hoạt động, ngành GD-ĐT cần rà soát, đánh giá thực trạng, quan tâm hơn đến việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ thư viện vì hiện nay đa số cán bộ thư viện là kiêm nhiệm, chỉ có một số rất ít có chuyên môn, nghiệp vụ.
Ban giám hiệu các trường phổ thông cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của thư viện trong nhà trường để tạo điều kiện cho thư viện phát triển, có cách bố trí sắp xếp cán bộ thư viện phù hợp. Cán bộ thư viện phải quản lý các đầu sách, danh mục chặt chẽ, thực hiện đúng nội quy, quy chế hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh kho sách, thực hiện tu bổ kho sách, tài liệu sử dụng lâu dài, thanh lọc tài liệu đúng quy định.
Các trường cần bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi, an toàn, thoáng mát, có phòng đọc hoặc khu vực đọc cho giáo viên, học sinh, kho sách cần đầy đủ và phong phú hơn nữa, tạo điều kiện cho việc đọc, nghiên cứu và tổ chức tốt các hoạt động tại thư viện. Có hình thức xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xây dựng tủ sách, báo, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các hoạt động thư viện.
Cũng nên đưa hình thức "Thư viện thân thiện" để mang lại cho các em nhiều lợi ích, ngoài mục đích đọc sách còn tạo điều kiện thuận tiện để giải trí lành mạnh, phát triển tiềm năng của các em một cách toàn diện.
Ngoài ra có thể tổ chức thêm hình thức thư viện góc lớp (đảm bảo mỗi lớp đều có giá sách, tủ sách tại góc lớp của lớp mình), hình thức thư viện ngoài trời (đọc sách theo nhóm trên ghế đá, dưới những tán cây xanh vào giờ ra chơi).
Bài, ảnh: Thu Huyền