Thực tế cũng cho thấy, nếu muốn tạo sức hút với du khách mà chỉ chú trọng tôn tạo cảnh quan, xây dựng thêm nhà hàng, khách sạn thì chưa đủ, mà điều quan trọng nữa là phải xây dựng được ý thức cộng đồng thật sự tự giác, văn minh, lịch sự, dù biết việc đó không dễ làm trong một sớm một chiều.
Những điều trông thấy
Đầu năm nay, nhân một chuyến công tác vào miền nam, chúng tôi có dịp ghé thăm thành phố Vũng Tàu. Phải thừa nhận đó là một vùng đất đáng đến, không phải chỉ bởi khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh nên thơ, phố xá tráng lệ mà ở đó còn có những con người thân thiện, mến khách. Hôm ấy tôi cùng mấy chị bạn vào xem một của hàng thời trang khá lớn ở trung tâm thành phố, một cô gái trẻ, ăn mặc khá mốt vội ra mở cửa kính, nở nụ cười tươi gật đầu chào chúng tôi. Cửa hàng của cô bày bán rất nhiều đồ cao cấp, gồm quần áo, túi xách, giày dép, đồ nữ trang… Trong lúc chúng tôi mải mê ngắm nghía các mặt hàng, cô gái luôn đi bên cạnh để giới thiệu, tư vấn về giá cả, chất lượng. Sau một hồi hỏi han, xem xét, chúng tôi ra về, không ai mua được gì bởi giá cả hơi "mắc". Điều làm tôi ngạc nhiên là cô gái không hề tỏ ra khó chịu, mà vẫn chào chúng tôi bằng nụ cười ban đầu, với lời nhắn, nếu có dịp mời các chị quay lại cửa hàng của em. Đến bây giờ, dù đã gần 1 năm trôi qua nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhắc lại chuyện đó như một kỷ niệm đẹp của chuyến đi và nhận ra chính cử chỉ ân cần, thái độ thân thiện của cô gái đã góp phần làm nên hình ảnh đẹp của vùng đất mà tôi đã đi qua.
Một lần khác, tôi xem một phóng sự do phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tại Nhật Bản. Phóng sự chỉ dài 2 phút, ghi lại công việc của những người dân bản địa trong việc giữ gìn, tôn tạo di tích của địa phương. Đó là một ngôi chùa nhỏ nhưng nổi tiếng là linh thiêng, vì vậy có rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái. Theo phong tục, sau khi vào chùa khấn lễ, du khách sẽ rút một quẻ thẻ, điền vào đó điều mình mong muốn và treo lên những cành cây trong chùa, đến cuối ngày, gần như các cây đều được lấp kín bởi những mảnh giấy. Sáng sớm hôm sau, những người dân sống quanh khu chùa lại cắt cử nhau ra cẩn thận gỡ những mảnh giấy, lau chùi chậu cảnh, quét dọn đường đi lối lại, trả lại cho ngôi chùa vẻ đẹp thâm nghiêm, huyền bí. Một cụ già cho phóng viên biết: Đã từ lâu, người dân nơi đây coi ngôi chùa như một báu vật mà ông cha để lại và việc gìn giữ, tu bổ ngôi chùa là vinh dự, trách nhiệm của mỗi người, công việc họ làm là hoàn toàn tự nguyện, không ai tính đến thù lao, bồi dưỡng.
Xây dựng văn minh du lịch - công việc không của riêng ai
Từ những điều mắt thấy tai nghe kể trên, tôi liên tưởng tới thực tiễn văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh. Phải thừa nhận so với 5-7 năm trước tình hình đã được cải thiện nhiều. Cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch đã được đầu tư xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường được tôn tạo. Việc xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao ý thức cho người dân tham gia làm các dịch vụ du lịch đã được chú trọng. Các khâu dịch vụ đã được tổ chức bài bản, nề nếp hơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng các bài thuyết minh làm tài liệu hướng dẫn khách du lịch; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và UBND các xã có các khu, điểm du lịch thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, khách sạn, tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch cho cộng đồng, thu hút hàng nghìn người tham gia… Bên cạnh những chuyển biến bước đầu, có thể thấy, việc xây dựng ý thức cộng đồng cho những người tham gia làm dịch vụ du lịch chưa đạt yêu cầu. Tại Khu di tích cố đô Hoa Lư chúng tôi đã chứng kiến cảnh một cụ già tay cầm 1 quả bưởi lẽo đẽo đi sau mấy du khách chèo kéo họ mua, dù du khách đã trả lời không mua nhưng cụ già vẫn theo ra tận nơi đỗ xe và đứng ngáng chỗ, khiến cho họ không mở được cửa xe. Cực chẳng đã, người lái xe đành phải đưa cụ mấy nghìn lẻ rồi vội vã phóng đi…
Du khách xuống thuyền thăm Tràng An
Tại khu chùa Bái Đính, tôi cũng ghi lại được hình ảnh 1 chiếc ô tô khá sang trọng vừa dừng lại trước cổng chùa để mua vé vào bến đã bị 5-6 người bán hàng rong vây kín, chèo kéo mua hương, đổi tiền lẻ. Trong khuôn viên chùa có cả đội quân hàng chục người, nào người chở xe ôm, người bán đồ lưu niệm, thợ chụp ảnh luôn túc trực, bủa vây du khách và tình trạng tranh mua tranh bán lại diễn ra…Đáng nói, những cảnh tượng trên không phải là hiếm gặp, nó đã gây ra biết bao phiền toái, sự khó chịu cho du khách, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của du lịch Ninh Bình trong mắt bạn bè.
Đem những bức xúc trên trao đổi với lãnh đạo, chính quyền một số địa phương, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Đã biết tình trạng trên, nhưng để giải quyết triệt để cần phải có thời gian. Và họ đã dẫn ra trăm nghìn lý do khiến cho vấn đề trở nên nan giải, trong đó có vấn đề tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất có công ăn việc làm; vấn đề công tác tuyên truyền giáo dục chưa tới tầm; vấn đề phối hợp quản lý giữa ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; vấn đề cố tình chây ỳ, ý thức kém của người dân... Gặp một số người bán hàng tại khu chùa Bái Đính, chúng tôi được biết: Mấy năm nay đời sống của gia đình họ đã có nhiều thay đổi. Nhà cửa được kiến thiết khang trang hơn, cuộc sống cũng sung túc, đầy đủ hơn. Ngoài số tiền bồi thường nhận được, họ còn tham gia làm các dịch vụ, cho thu nhập khá cao, nếu vào mùa du lịch lễ hội có thể thu được chục triệu đồng mỗi tháng. Theo báo cáo của UBND xã Gia Sinh (Gia Viễn) toàn xã có khoảng 1500-1800 lao động tham gia làm dịch vụ du lịch tại khu chùa Bái Đính. Tổng thu từ các loại dịch vụ năm 2011 đạt trên 33 tỷ đồng. Điều đó cho thấy nguồn lợi từ phát triển du lịch đối với địa phương là rất lớn.
Không chỉ riêng khu Chùa Bái Đính, ở các khu, điểm du lịch khác như Tam Cốc-Bích Động, Tràng An, Vân Long… số lao động tham gia làm các dịch vụ như chở đò, chụp ảnh, chở xe ôm, bán hàng lưu niệm, phục vụ nhà hàng lên tới hàng nghìn người, chủ yếu là người dân bản địa, trước đây chỉ quen với công việc của nhà nông, nên sự hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, ứng xử có phần hạn chế. Vấn đề đặt ra cho ngành chức năng, các địa phương có khu, điểm du lịch và doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn để giúp người dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia làm dịch vụ du lịch trên địa bàn, làm sao phải nâng lên thành ý thức tự giác, khơi dậy trong họ niềm tự hào về quê hương để họ gắn bó, có thể sống bằng nghề dịch vụ đồng thời phải biết gìn giữ, phát huy giá trị của di tích, thắng cảnh trên quê hương, đem lại sự hài lòng cho du khách mỗi khi về thăm Ninh Bình. Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cộng đồng làm du lịch cần tiếp tục được quan tâm, dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động hơn. Ngoài ra, các địa phương và doanh nghiệp cũng cần quan tâm xây dựng khu dịch vụ tại các điểm du lịch, đảm bảo khoa học, mỹ quan, dễ quản lý, không để người bán hàng đi rong trong khu du lịch. Những trường hợp cố tình vi phạm phải có hình thức xử lý nghiêm.
Tin rằng, với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ngành, đơn vị chủ quản, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, hoạt động du lịch trên địa bàn trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến hơn nữa, đặc biệt việc xây dựng nếp sống văn minh đối với cộng đồng làm du lịch sẽ đạt hiệu quả như mong muốn, đưa Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách và bạn bè xa gần.
Bài, ảnh: Hà Trang