Vừa nghe tiếng rao "Ai sách, báo cũ đây..." của một chị buôn bán hàng đồng nát, chị Hương ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chạy vội ra gọi. Hì hụi lôi từ trong buồng ra một đống sách, báo lẫn lộn, chị Hương háo hức kể: Hôm nay ngày nghỉ mới có dịp tổng kết lại đống sách vở, báo chí của chồng, con qua một năm để thanh lý cho đỡ chật nhà chật cửa. Với 2 bộ sách giáo khoa cũ của 2 đứa và hàng chục tờ báo, tạp chí, chị Hương đã thu được hơn 40.000 đồng (giá của sách báo cũ là 4.000 đồng /kg). Hỏi chuyện chị bán đồng nát, được biết: Những cuốn sách, báo, tạp chí được mua về chọn lọc ra và được mang đến các cửa hàng có nhu cầu. Sách giáo khoa cũ thì bán cho cửa hàng sách cũ, báo, tạp chí thì đem bán cho các cửa hàng thuốc bắc, quầy bán đồ khô ở chợ... để họ dùng gói gém hàng hóa. Năn nỉ một hồi chị bán đồng nát mới chịu tiết lộ những cửa hàng là "mối ruột" của "cánh" đồng nát, tôi đã tìm đến để tìm hiểu về những cuốn sách giáo khoa cũ. Song, theo chủ cửa hàng này cho biết, người tìm đến mua sách cũ không nhiều. So sánh về giá cả thì bộ sách cũ và mới hoàn toàn cách xa nhau: Một bộ sách giáo khoa lớp 1 mua mới có giá khoảng 400.000 đồng/bộ, còn một bộ sách cũ mua chỉ có giá khoảng 100.000 - 200.000 đồng/bộ tùy theo độ cũ, mới của những cuốn sách.
Đem tâm trạng buồn về những cuốn sách giáo khoa cũ tâm sự với bạn bè đang có con trong độ tuổi đến trường, nhiều người cười bảo: Không có điều kiện đem về quê thì bán đi cho rộng nhà, chứ để làm gì.
Chị Yến Linh (phường Thanh Bình) có con năm nay học lớp 9 kể: ở nhà mình những cuốn sách giáo khoa được tận dụng và quay vòng hết công suất. Mỗi bộ sách giáo khoa được cậu con trai chị sử dụng xong lại được giữ gìn cẩn thận, sạch sẽ để bàn giao cho cô cháu gái con nhà anh trai học sau 2 lớp, rồi nhà ông anh trai còn giữ lại cho cậu con trai học sau cô chị một lớp. Như thế, mỗi bộ sách giáo khoa mua về, được sử dụng tới 3 lần mới coi là hết "khấu hao". Ngay cả những tờ báo, tạp chí cũ sau khi đọc xong, vợ chồng chị Yến Linh cũng cẩn thận gom góp mang về cho các cụ ở quê đọc vì ở quê thiếu sách báo hơn ở thành phố.
Thực tế thì những người có suy nghĩ như chị Yến Linh không nhiều. Ngay tại Công ty thiết bị sách và trường học, khi tôi đến để mua sách cho con, gặp những gương mặt phụ nữ đang đứng tần ngần trước mỗi giá sách, lật đi lật lại để xem giá của mỗi cuốn sách rồi nhẩm tính, cũng có thể hiểu được tâm trạng băn khoăn của những phụ huynh nghèo khi mua sắm sách vở cho con. Với thu nhập của nhà nông, chỉ riêng một bộ sách giáo khoa có giá khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng /bộ, đã là cả vấn đề nan giải chưa nói gì đến việc mua sắm quần áo, đồ dùng học tập cho con.
Làm sao để những cuốn sách giáo khoa cũ phát huy được tác dụng của mình và có thể sẽ trở thành những món quà quý cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn... có lẽ không chỉ là trăn trở của riêng người viết. Được biết, trong hoạt động giáo dục ở mỗi nhà trường, các thầy, cô giáo cũng quan tâm thường xuyên đến việc giáo dục học sinh biết giữ gìn sách vở cẩn thận, sạch đẹp để các em có ý thức tốt hơn trong việc giữ gìn, bảo quản sách vở. Đã có những cá nhân, gia đình với suy nghĩ và tấm lòng trân trọng giá trị của những cuốn sách, đã có những việc làm ý nghĩa như: tặng học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Không chỉ đơn thuần là giúp đỡ người có khó khăn trong cuộc sống mà việc giữ gìn và tặng sách còn là một cách để giáo dục trẻ em biết trân trọng giá trị của sách, biết chia sẻ, đồng cảm với các bạn còn có khó khăn hơn mình.
Để những hành động ấy được nhân lên thành phong trào, thành việc làm của mỗi người, mỗi nhà, nên chăng, theo ý kiến của người viết, vào mỗi dịp tổng kết năm học, các nhà trường nên phối hợp với Hội Khuyến học ở địa phương tổ chức phát động quyên góp sách giáo khoa cũ để những gia đình không có nhu cầu dùng sách giáo khoa nữa có thể gửi tặng cho những bạn học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn đang cần đến sách mà không có điều kiện mua.
Nếu làm được việc đó, mỗi người, mỗi gia đình đã góp phần để không chỉ những cuốn sách lại được "sống" với đời sống thực của nó dài hơn và quan trọng hơn là sẽ có thêm những học sinh nghèo được trang bị đầy đủ sách giáo khoa đến trường và như vậy sẽ có thêm nhiều gia đình nghèo vơi bớt khó khăn mỗi khi chuẩn bị cho con bước vào năm học mới.
Bùi Diệu