Trong thực tế, với trách nhiệm xây dựng Đảng, quần chúng nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến, phản ánh, tố cáo đúng về đảng viên và tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm. Nhiều người đã không quản ngại khó khăn, định kiến, mặc cảm, không sợ ảnh hưởng đến tính mạng, sinh mệnh chính trị, lo bị trả thù, trù dập… để phối hợp với tổ chức Đảng, các đoàn kiểm tra trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, giúp việc kiểm tra đạt chất lượng, hiệu quả.
Nhiều cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm của quần chúng, quan tâm phối hợp với họ trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư phản ánh, tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của đơn vị.
Thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, lắng nghe, chọn lọc, phân tích ý kiến của quần chúng, nhất là những thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, những chứng cứ cụ thể, xác thực phục vụ việc kiểm tra, nhất là khi tiến hành thẩm tra, xác minh các vụ việc, giúp việc làm rõ đúng sai, chứng lý để xem xét, kết luận, xử lý được chuẩn xác.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ở nhiều tổ chức Đảng vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Một số trường hợp còn có biểu hiện e ngại, né tránh, thiếu cộng tác trong việc phối hợp với tổ chức Đảng có thẩm quyền, đoàn kiểm tra, cán bộ kiểm tra trong một số vụ việc kiểm tra, giám sát.
Một số trường hợp do nhận thức chưa đúng, hoặc cố ý, đã viết đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên, vu cáo tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên với dụng ý xấu; bị kẻ xấu xúi giục, kích động tham gia khiếu kiện đông người.
Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra, chi bộ, cán bộ kiểm tra còn thiếu thiện chí, chưa thật sự chia sẻ, thông cảm, tạo điều kiện và chưa có cơ chế bảo vệ người dũng cảm đấu tranh, phê bình tố cáo đúng, động viên khuyến khích quần chúng tích cực cộng tác tham gia kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên.
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có hiệu quả trong tình hình hiện nay, cần có cơ chế để cho quần chúng nhân dân được nói, được tham gia xây dựng Đảng. Theo đó, phải bảo đảm quyền của cán bộ, đảng viên và nhân dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.
Thực hiện nêu gương người tốt, việc tốt để "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", kết hợp tốt giữa "xây và chống", chống để xây tốt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, vừa phê phán những trường hợp lợi dụng quyền dân chủ, tố cáo để vu cáo tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nhằm mục đích vụ lợi hoặc gây phức tạp tình hình.
Cần nghiên cứu tổ chức các hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của quần chúng nhân dân thông qua hộp thư điện tử, Internet, phản ánh trực tiếp của nhân dân để thu nhận nhanh chóng, kịp thời và có cơ chế xử lý các thông tin đó chuẩn xác, phục vụ tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Sau khi có kết luận, phải được thông tin rộng rãi về kết luận của các cơ quan chức năng.
Thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản ánh của quần chúng nhân dân về tình hình cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định; kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên diện cấp ủy quản lý.
Quá trình kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo, cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ, một mặt, nêu cao trách nhiệm, có thái độ ứng xử đúng đắn, thiện chí với nhân dân hoặc người tố cáo; mặt khác, phải làm tốt công tác tư tưởng để nhân dân cộng tác tốt, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu mà họ có, chịu trách nhiệm về nội dung mà mình cung cấp liên quan đến vụ việc kiểm tra hoặc nội dung, đối tượng mà mình tố cáo; không tố cáo mang tính vu cáo, bịa đặt; tin tưởng vào quá trình giải quyết của cấp ủy, tổ chức Đảng.
Quỳnh Thu