Hiện nay nghề trồng nấm phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh, trong đó tiêu biểu là huyện Yên Khánh với hàng trăm hộ sản xuất nấm. Nghề sản xuất nấm ở đây đã giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu. Ông Phạm Văn Mỹ, xóm 6, xã Khánh Vân là một trong những hộ trồng nấm lâu năm. Ông Mỹ cho biết: Nghề trồng nấm chỉ mất diện tích rất nhỏ để làm lán trại, chi phí không nhiều, nhưng hiệu quả cao. Với 1.500 m2 lán trại, ông đưa vào sản xuất 100 tấn nguyên liệu, trồng 5 loại nấm: mỡ, mộc nhĩ, sò, rơm, linh chi. Theo hạch toán chi phí, bình quân mỗi 1kg nguyên liệu có lãi 3.000 đồng, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 300 trăm triệu đồng từ trồng nấm. Hiện nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm nấm rất thuận lợi, sản xuất ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có những thời điểm bị khan hiếm hàng. Ngoài trồng nấm, gia đình ông Mỹ còn đầu tư máy móc làm bao bì đựng nấm bán cho các hộ sản xuất trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà ông Mỹ còn giúp đỡ 19-20 hộ dân ở địa phương cùng tham gia trồng nấm. Trong thời gian tới, để phát triển nghề trồng nấm ở địa phương bền vững, giúp nhiều bà con nông dân có thu nhập cao, xã Khánh Vân đã tạo điều kiện cho ông Mỹ thuê đất trên diện tích 2,7 mẫu để mở rộng quy mô sản xuất. Trên những diện tích đó, những hộ nào có nhu cầu mở rộng sản xuất, ông sẽ nhường từ 100-200m2 để cùng làm, tạo thành một tổ hợp sản xuất cùng nhau giúp đỡ về kỹ thuật, giống, vốn và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Quốc Hương, Giám đốc DNTN nấm Hương Nam, Chủ tịch Hội ngành nghề nấm Ninh Bình cho biết: Với thời tiết và khí hậu ở Ninh Bình rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển, đặc biệt là các loại nấm mỡ, nấm hương, nấm sò… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh ta đã cơ bản làm chủ được công nghệ nhân giống nấm.
Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay tỉnh ta có khoảng 8.000 người thường xuyên tham gia sản xuất nấm. Sản lượng nấm tươi hàng năm ước đạt gần 5.000 tấn, doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng. Có thể khẳng định nghề nấm cho hiệu quả rất cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Tuy nhiên nghề sản xuất nấm tại tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Hiện nay tỉnh ta mới sử dụng 14-15 nghìn tấn rơm rạ trong sản xuất nấm, mỗi một tấn rơm rạ sản xuất ra thành phẩm có giá trị tương đương 1 tấn lúa. Trong khi mỗi năm tỉnh ta có khoảng 800.000 tấn rơm rạ sau thu hoạch, điều này rất lãng phí, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ.
Một trong những khó khăn lớn nữa là nghề trồng nấm ở tỉnh ta vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành các chuỗi liên kết. Đã có tình trạng nhiều hộ do không nắm được kỹ thuật trồng các loại nấm, bị thất bại nhiều lần, sau đó chán nản và bỏ nghề. Một số hộ gặp khó khăn về vốn đầu tư; vướng về mặt bằng. Trở ngại lớn nữa đối với người trồng nấm là thiếu thiết bị, máy móc, do đó năng suất, hiệu quả thấp và dễ gặp rủi ro khi thời tiết thay đổi.
Hiện nay nước ta đã đưa sản phẩm nấm vào danh mục sản phẩm quốc gia, nhiều địa phương đưa nghề trồng nấm trở thành một trong những ngành trọng điểm, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân. Với nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, nguồn nguyên liệu sẵn có, tỉnh ta cũng cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để nghề trồng nấm phát triển bền vững, nhất là tạo điều kiện về vốn, mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó người trồng nấm cần kiên trì, chịu khó và nắm chắc kỹ thuật sản xuất từng loại nấm, không nên trồng tràn lan, nhất là những loại nấm cao cấp có độ rủi ro cao.
Về phía Hội ngành nghề nấm Ninh Bình, ông Phạm Quốc Hương cho biết: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, trong thời gia tới Hội ngành nghề nấm tập trung giải quyết tốt khâu then chốt quyết định sự thành công trong nghề nấm là tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên và nâng cao kỹ thuật cho các hộ trồng nấm lâu năm, từ đó làm chủ điều kiện thời tiết, giảm bệnh hại, giảm rủi ro. Đồng thời, tập trung nguồn lực đẩy mạnh cơ giới hóa thay cho lao động thủ công, từng bước chuyên môn hóa các khâu sản xuất nấm.
Theo đó, hộ nào có điều kiện về vốn, có tiềm lực kinh tế thì tập trung đầu tư mua máy móc, thiết bị, lò hấp hiện đại sản xuất ra các bốt, bịch nấm đảm bảo chất lượng, giảm bệnh hại, bán cho các hộ sản xuất. Khi đó người nông dân chỉ lo làm tốt vấn đề nuôi trồng nấm, cho hiệu quả cao mà không phải đầu tư máy móc, giảm được gánh nặng về vốn. ở khâu cuối cùng sẽ hình thành một bộ phận chuyên lo đầu ra cho sản phẩm nấm, đảm bảo giá thành hợp lý, tạo thành một chuỗi sản xuất có hiệu quả cao.
Hồng Giang