Phóng viên (P.V): Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Bình, xin đồng chí cho biết những nét khái quát về lễ hội năm nay? Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế, người con của Ninh Bình đã có công thống nhất giang sơn lập nên nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam, tưởng nhớ và tri ân công lao của các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, qua đó khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày nay; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Lễ hội Hoa Lư năm nay là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, hướng tới kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 5 đến 7-4-2017 (tức từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch); riêng Lễ mở cửa đền, Lễ dâng hương và tế Cửu khúc thực hiện trong ngày 4-4-2017.
Phần lễ gồm 10 nghi thức: Lễ mở cửa đền; Lễ dâng hương; Lễ rước nước; Lễ mộc dục; Lễ tiến phẩm; Lễ rước kiệu (từ các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê về Lễ hội); Tế cửu khúc, Tế lễ của các đoàn tế nam quan, nữ quan, đồng quan; Lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng; Lễ tạ. Phần hội tổ chức thành 6 nhóm nội dung, gồm: Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội; Các hoạt động văn hóa văn nghệ; Hội trại thanh niên; Các trò chơi dân gian; Các hoạt động thể dục, thể thao; Các hoạt động trưng bày, triển lãm quảng bá du lịch, thương mại với tổng số 26 nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao truyền thống, hiện đại và các trò chơi dân gian như: múa rối nước, múa trống, biểu diễn cồng chiêng, chọi gà, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ, kéo co, thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, thi cắm hoa, thi nấu cơm nhanh, thi chèo thuyền khéo, thi đấu bóng chuyền, giao lưu văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chèo, trưng bày hiện vật về Kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, quảng bá du lịch… Các hoạt động này được tổ chức từ buổi sáng đến buổi tối trong các ngày diễn ra lễ hội.
P.V: Lễ hội Hoa Lư với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, vậy điểm nhấn của lễ hội năm nay là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Tháng 12 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa lễ hội truyền thống Trường Yên (nay là Lễ hội Hoa Lư) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tiếp nối việc tổ chức lễ hội Hoa Lư với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2015, Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô cấp tỉnh bao gồm nhiều nội dung hoạt động lễ và hội. Các nghi lễ truyền thống của lễ hội tiếp tục được duy trì, bảo tồn, phát huy. Thời gian vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư, ủy ban nhân dân xã Trường Yên tổ chức nghiên cứu và phục dựng nghi thức tế Cửu khúc, một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội đã thất truyền nhiều năm. Hiện nay đội tế Cửu khúc của xã Trường Yên đang tiến hành luyện tập và sẽ đưa nội dung này vào hoạt động tại lễ hội.
Trong các hoạt động hội, năm nay đưa thêm một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống: tổ tôm điếm, múa rối nước và biểu diễn nghệ thuật chèo. Đặc biệt, chào mừng lễ hội năm nay, Ban Tổ chức lễ hội quyết định xây dựng và tổ chức một chương trình nghệ thuật tổng hợp bao gồm các hình thức diễn xướng dân gian như múa cờ lau tập trận, kéo chữ, hát chèo, sân khấu hóa nghi thức lễ đăng quang và các ca múa nhạc dân gian, hiện đại với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của Ninh Bình cùng các đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và Hà Nội. Chương trình được tổ chức vào tối ngày 5-4 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư - nơi diễn ra lễ hội. Những nội dung nghi lễ được phục dựng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, hiện đại được bổ sung vào hoạt động hội năm nay cùng với chương trình nghệ thuật chào mừng sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
P.V: Để đảm bảo yêu cầu tổ chức lễ hội thành công, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ có kế hoạch gì để thực hiện tốt nhất những yêu cầu đề ra.
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Xác định lễ hội là hoạt động cộng đồng thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham dự, các hoạt động tại lễ hội Hoa Lư diễn ra nhiều ngày, với nhiều nội dung, trên địa bàn rộng, ngoài các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các nghi thức nghi lễ truyền thống còn có nhiều thành phần, lực lượng tham gia hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở khu vực lễ hội và vùng phụ cận, do đó Ban Tổ chức lễ hội rất quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc để Lễ hội năm nay diễn ra an toàn, văn minh.
Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, và đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực tổ chức Lễ hội. Huyện Hoa Lư và xã Trường Yên xây dựng phương án bố trí các khu vực dành cho hoạt động kinh doanh dịch vụ, trông giữ phương tiện, bố trí các vị trí đặt nước uống miễn phí cho du khách về dự lễ hội, đồng thời đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường khu vực tổ chức lễ hội. Ngành Y tế sẽ tổ chức phun thuốc muỗi phòng dịch, bố trí lực lượng y tế thường trực đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cần cấp cứu tại lễ hội và tổ chức kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực tổ chức lễ hội và các khu vực phụ cận. Ngành Công thương tổ chức lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Ngành Điện lực xây dựng phương án đảm bảo cấp điện phục vụ hoạt động lễ hội an toàn, liên tục. Ngành Lao động, thương binh và xã hội xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng đảm bảo không để xảy ra tình trạng ăn mày, ăn xin xuất hiện trong lễ hội. Ngành Văn hóa và Thể thao ngoài việc trực tiếp thực hiện các hoạt động tại lễ hội đã phân công các phòng, đơn vị chức năng của Sở theo dõi, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo các hoạt động trong lễ hội diễn ra đúng yêu cầu và nội dung Kế hoạch của Ban Tổ chức đã đề ra, đồng thời chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra hàng ngày tại lễ hội.
Sở Văn hóa và Thể thao hy vọng và tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Ban Tổ chức lễ hội, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, Lễ hội Hoa Lư năm 2017 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo được các yêu cầu trang trọng, thiết thực, hiệu quả, an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư, của quê hương Ninh Bình thân thiện và mến khách.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Nam