Như năm học 2014- 2015 vừa qua, theo thống kê của phòng Khảo thí, Sở Giáo dục- Đào tạo: Trong tổng số hơn 10.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ có 10% thí sinh đăng ký dự thi môn lịch sử. Có những điểm thi, môn lịch sử có rất ít thí sinh như: Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nho Quan có 1 thí sinh, Trường THPT Yên Khánh C, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Kim Sơn 2 thí sinh, Trường THPT Kim Sơn A, THPT Bình Minh 9 thí sinh…Thậm chí, có những điểm thi, không có thí sinh nào lựa chọn môn lịch sử. Ngược trở lại cũng kỳ thi này năm trước, tỷ lệ thí sinh chọn lịch sử còn "ảm đạm hơn", với 9%. Trước sự lựa chọn kể trên của nhiều thí sinh, bất kỳ ai có sự quan tâm đối với môn học lịch sử đều có thể dễ dàng đưa ra nhận xét: học sinh bây giờ quá thờ ơ với môn lịch sử.
Hỏi chuyện một cậu học sinh đang chuyên tâm ôn thi các môn Toán, Lý, Hóa để thi các trường đại học khối A, cậu chia sẻ: Chẳng phải riêng em mà các bạn trong lớp cũng ngại học lịch sử và cảm thấy môn này không hấp dẫn, rất nhàm chán. Bởi cách truyền đạt kiến thức truyền thống lâu nay là cô giảng và đọc, học sinh ngồi dưới nghe và chép. Mọi sự kiện lịch sử đều theo chương trình sách giáo khoa, ít có sự mở rộng, liên kết với các nội dung khác. Do đó, chỉ có các bạn nào có ý định thi khối C mới chuyên tâm học lịch sử… Với nhiều học sinh khác, dù chọn lịch sử làm môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia, nhưng cũng học vì sự lựa chọn chứ chưa hẳn vì yêu thích. Nguyên nhân thì có nhiều, song tựu chung lại là phương pháp giảng dạy lâu nay dưới hình thức đọc-chép khiến việc dạy và học lịch sử trở nên nhàm chán, không đạt hiệu quả. Hệ lụy từ việc học sinh không thích học lịch sử không chỉ thể hiện ở điểm số, ở sự lựa chọn môn thi mà còn ở việc học sinh Việt Nam mà lại không hiểu biết lịch sử dân tộc, còn nhầm lẫn giữa các nhân vật, sự kiện lịch sử… Một, hai năm gần đây, khi toàn ngành Giáo dục- Đào tạo cả nước sôi nổi với việc đổi mới toàn diện, căn bản Giáo dục- Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 4-11-2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI), ngành giáo dục Ninh Bình đã có những đổi mới rõ rệt, nhất là về việc đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các cấp học, môn học. Trong sự đổi mới đó, môn lịch sử cũng không nằm ngoài cuộc. Nhiều nhà trường ở cấp THCS, THPT đã tích cực đổi mới việc dạy môn lịch sử, có nhiều cách thức để đưa môn lịch sử gần gũi hơn với người học. Một lần chúng tôi có dịp được cùng tham dự một buổi học ngoại khóa của học sinh trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình). Vượt ra ngoài khuôn khổ của trường, lớp, buổi học được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh đã đem đến một không gian vừa học, vừa chơi, vừa tìm hiểu khá lý thú. Cùng với việc nghiên cứu tài liệu, các em học sinh được trao đổi, thảo luận kiến thức về "Ninh Bình thời Đinh-tiền Lê"- nội dung của bài giảng. Học sinh hôm đó còn được tìm hiểu về các hiện vật được trưng bày về thời Đinh-tiền Lê, được nghe hướng dẫn viên của Bảo tàng giới thiệu cặn kẽ về lịch sử, quá trình phát triển, xây dựng của thời kỳ lịch sử. Được trực tiếp nghe giới thiệu về văn bia, về cách người xưa làm nên văn bia, quy trình kỹ thuật dập văn bia, được tự tay dập văn bia… Em Nguyễn Thu Trang, học sinh trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: Được học lịch sử ngay tại địa điểm Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật lịch sử của địa phương em cảm thấy bản thân mình đã thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc, có ý thức tìm hiểu để nâng cao kiến thức cho bản thân về lịch sử. Từ đó, giúp em có ý thức, trách nhiệm bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa của địa phương…
Vừa qua, một buổi học môn lịch sử khá hấp dẫn cũng được diễn ra tại làng nghề gốm cổ Bồ Bát (thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô). Với mục đích nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử, tổ Lịch sử trường THPT Yên Mô B đã chuẩn bị bài học lịch sử địa phương gắn với trải nghiệm thực tế làng nghề gốm Bồ Bát. Suốt buổi học, các em học sinh lớp 10 được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống làng nghề, được trực tiếp nghe, nhìn về quy trình tạo ra sản phẩm gốm. Được thoải mái trao đổi, thảo luận về những điều mình còn băn khoăn, thắc mắc về làng nghề truyền thống của địa phương và trực tiếp làm ra các sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, người làm gốm… Theo thầy giáo Nguyễn Minh An, Giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Yên Mô B: Việc dạy môn lịch sử theo hình thức sử dụng di sản văn hóa vào dạy học góp phần định hướng học sinh tìm hiểu về di sản địa phương, cho các em cảm thấy bài học gắn bó hơn với cuộc sống xung quanh. Từ đó sẽ bồi dưỡng cho học sinh tình cảm tự hào với những giá trị văn hóa truyền thống do cha ông để lại. Có ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo tồn di sản văn hóa. Bên cạnh đó, đổi mới dạy lịch sử theo hướng đưa di sản văn hóa vào dạy học còn giúp cung cấp cho giáo viên nguồn tư liệu quý về các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Nâng cao năng lực khai khác, sử dụng phương pháp, hình thức dạy học của giáo viên, góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học…
Thực tế việc đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử thời gian qua mà nhiều nhà trường đã áp dụng bước đầu cho thấy đây là hình thức đổi mới phù hợp với xu thế dạy và học hiện nay. Nếu bộ môn lịch sử được dạy và học hiệu quả, chắc chắn sẽ có tác dụng đối với việc nâng cao chất lượng bộ môn, tạo hứng thú, hăng say học tập ở học sinh, giúp học sinh có thái độ tích cực đối với môn lịch sử. Đồng thời qua việc tổ chức dạy và học môn lịch sử theo phương pháp đổi mới còn tích hợp giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Điều mà không phải môn học nào cũng làm được. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục giữ nguyên môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới là minh chứng cho thấy môn lịch sử là môn học quan trọng, góp phần giáo dục học sinh, giúp các em học sinh hoàn thiện về nhân cách, bồi dưỡng và nâng cao hơn nữa tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước.
Bài, ảnh: Lý Nhân