Cụ thể năm 2005, có 3 vụ ngộ độc tập thể, 189 người mắc; năm 2006 có 5 vụ, 78 người mắc; năm 2007 có 6 vụ, 168 người mắc. Tuy nhiên, thống kê trên chưa thực sự đầy đủ và cũng chưa phản ánh hết tính bức thiết của vấn đề VSATTP trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Bởi sử dụng thực phẩm không an toàn không chỉ gây ra ngộ độc trực tiếp với các triệu chứng dễ thấy, như: Nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, mà còn là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh khác như: Ung thư, rối loạn hệ tiêu hóa, thần kinh…
Có lẽ vì vậy mà người tiêu dùng, nhất là những bà nội trợ luôn tỏ ra lo lắng khi thường xuyên phải đi chợ, lựa chọn thức ăn cho gia đình với hàng loạt tiêu chí: Hợp túi tiền, ngon miệng và phải an toàn. Nhiều người phàn nàn rằng thịt, cá mua về kho mãi chưa cạn nước; hoa quả như táo, lê, cam để cả tháng chưa héo; nhiều loại rau sản xuất trái mùa mà vẫn tươi, non, mỡ màng…
Chưa hết, tại các quán ăn, uống, giải khát, tình trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra, như khu vực chế biến gần với cống rãnh, công trình phụ, nước uống cho khách chưa đun sôi, bát đĩa rửa không sạch, qua kiểm tra, đoàn liên ngành còn phát hiện nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng giả công khai bày bán...
Để giảm mối lo cho người dân và cũng là đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tỉnh ta đã thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo VSATTP các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, công tác phối hợp liên ngành được chú trọng. Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tốt các đợt kiểm tra VSATTP vào dịp Tết Nguyên đán, Rằm Trung thu, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Ngoài ra còn tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất đối với các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, như sữa nhiễm melamine, nước tương có chứa MCD3…
Nhà bếp phục vụ ăn ca tại Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình.
Năm 2008, toàn tỉnh đã thanh tra 678 lượt cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP chiếm 81%; thanh tra 2.136 lượt cơ sở kinh doanh thực phẩm, số cơ sở đạt yêu cầu là 83,8%; thanh tra 1.642 cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở đạt tiêu chuẩn là 80,7%. Qua các đợt thanh, kiểm tra, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt, ngoài việc phải đảm bảo các thủ tục pháp lý, các hộ còn được hướng dẫn, giới thiệu những kiến thức cõ bản trong quá trình chế biến, bảo quản, tự giám sát chất lượng thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có khá nhiều cơ sở còn vi phạm quy định về VSATTP, như thủ tục pháp lý không đầy đủ, hàng quá hạn sử dụng, nước đưa vào sản xuất đá giải khát không đảm bảo, còn sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm… Năm qua, đã có 116 cơ sở bị xử phạt cảnh cáo, 96 cơ sở bị phạt tiền, với số tiền nộp phạt là 62 triệu đồng, 4 cơ sở khác bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ngoài hoạt động của đoàn liên ngành, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh còn phối hợp với các đội y tế dự phòng huyện, thị tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát VSATTP tại các khu du lịch, làm tốt công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm phục vụ các sự kiện lớn tại tỉnh như: Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc; cuộc thi Ôlimpic vật lý Quốc tế, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho đại biểu và du khách.
Các hoạt động như: Truyền thông, giáo dục, tập huấn kiến thức, xây dựng mô hình điểm, nghiên cứu khoa học cũng đã được ngành Y tế chú trọng triển khai, từng bước nâng cao hiệu quả chương trình. Trong đó công tác truyền thông giáo dục được coi là biện pháp chủ yếu để thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Nội dung tuyên truyền nhằm phổ biến quy định của pháp luật về VSATTP tới các nhà lãnh đạo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn người dân lựa chọn, mua bán, tiêu dùng thực phẩm an toàn; biết cách xử trí khi ngộ độc thực phẩm; các biện pháp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai, bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mặt hạn chế. Như việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP còn chậm. Theo phân cấp quản lý, số cơ sở do tỉnh cấp phép đã đạt 97,8%, nhưng hiện vẫn còn 3 huyện và 100% số xã chưa triển khai việc cấp phép, khiến cho hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm vào tình trạng hoạt động không giấy phép, hoặc giấy phép không còn hiệu lực.
Thực tiễn cũng cho thấy, do lực lượng mỏng nên công tác thanh, kiểm tra của ngành Y tế chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp liên ngành chưa thực sự hiệu quả, nhịp nhàng, còn có sự chồng chéo. Nhiều địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền còn coi nhẹ công tác VSATTP, dẫn tới không kiểm soát hết các vi phạm ở cơ sở, điển hình là tình trạng mất vệ sinh nơi họp chợ, tại những quán ăn nhỏ, lẻ, ven đường, những bữa ăn tập trung đông người tại cộng đồng…
Để công tác VSATTP đạt được kết quả tốt, ngoài những nỗ lực của ngành Y tế, rất cần có sự chỉ đạo tập trung, sát sao của các cấp, các ngành chức năng và sự hiểu biết, ý thức vệ sinh của người tiêu dùng, chỉ khi có sự ra quân đồng bộ của các cấp, các ngành, các lực lượng trong xã hội thì công tác VSATTP mới đạt kết quả như mong muốn, vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người.
Trang Nhung - Phạm Trường