P.V: Tết Trung thu đang tới gần, để ngày này thực sự là một "Đêm hội trăng rằm" có ý nghĩa đối với các em thiếu nhi, Huyện đoàn Kim Sơn đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí ?
Đ/C Phạm Thị Thu Phương: Với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngay từ đầu tháng 9 dương lịch, Ban Thường vụ Huyện đoàn Kim Sơn đã phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Đội trên địa bàn huyện tích cực triển khai các nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp và mỗi gia đình, cùng chung tay trong việc tổ chức cho các em đón một cái Tết Trung thu thật đầy đủ, đầy no ấm và hạnh phúc.
Huyện đoàn cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn để đảm bảo có sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sát sao trong việc chuẩn bị cho trẻ em địa phương đón Tết Trung thu. Phát huy vai trò thanh niên xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ toàn huyện đã đóng góp, ủng hộ kinh phí để tặng quà cho các em đội viên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam/điôxin, con cháu các gia đình chính sách tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng chỉ đạo cơ sở Đoàn, đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tại chỗ để giúp đỡ các em bị nhiễm HIV/AIDS, được hòa nhập vui đón Tết Trung thu để em nào cũng cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ của cộng đồng. Cũng như mọi năm, việc cắm trại vui đón Tết Trung thu trên địa bàn huyện sẽ được triển khai dưới nhiều hình thức hấp dẫn tại các trường học và theo lũy tre xanh. Theo kế hoạch, từ ngày 14-8 (âm lịch) các xã, thị trấn sẽ tổ chức cắm trại và tổ chức liên hoan văn nghệ vào buổi tối. Ngày 15, các em sẽ tham gia các hoạt động như: thi nghi thức Đội, liên hoan văn nghệ, thi đấu: bóng đá, cầu lông, bóng bàn, thể dục nhịp điệu...Và buổi tối đêm rằm, các em sẽ trông trăng, múa lân, phá cỗ và thả đèn hoa đăng trên sông. Nhìn chung, chúng tôi cố gắng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những sân chơi lý thú, hấp dẫn và thực sự bổ ích cho các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và tiết kiệm.
Để chuẩn bị cho "Đêm hội trăng rằm", Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng chỉ đạo Nhà thiếu nhi Kim Sơn phối hợp với các Liên đội tiêu biểu trong toàn huyện tổ chức Đêm hội tại rạp Kim Mâu vào tối 14 âm lịch. Trong "Đêm hội trăng rằm" năm nay, sẽ có những hoạt động chính như: Ôn lại sự tích chú Cuội, Hằng nga; Các em thiếu nhi của liên đội Trường THCS Như Hòa -liên đội dẫn đầu trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2012 - 2013 sẽ diễn trích đoạn "Thị Mầu lên chùa và Xã trưởng, mẹ đốp", trong vở chèo "Quan âm thị kính"; gặp gỡ và chia sẽ những trải nghiệm thú vị cùng 12 chiến sỹ nhí tham gia chương trình "Học kỳ quân đội" cũng trong Đêm hội CLB "Tuổi trẻ Kim Sơn nối vòng tay nhân ái" sẽ tặng 60 suất quà cho các trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật và những học sinh nghèo vượt khó học giỏi... Sau đó, các em sẽ cùng tham gia thả đèn hoa đăng và phá cỗ.
P.V: Thưa đồng chí, có một thực tế, khi cuộc sống càng hiện đại thì những nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết Trung thu dần mai một. Vậy theo đồng chí làm thế nào để duy trì những nét đẹp văn hóa tuyên truyền trong dịp Tết của các em thiếu nhi.
Đ/C: Phạm Thị Thu Phương: Quả thực mỗi dịp Tết Trung thu đến hẳn ở mỗi chúng ta lại gợi về những cảm xúc, kỷ niệm và ký ức khó quên. Chúng ta đã từng sống trong sự hồi hộp hàng tháng trời, để chờ đợi giây phút được cha mẹ làm chiếc đèn ông sao từ giấy bóng.
Những mâm cỗ trông trăng được bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các anh chị tự làm từ quả bưởi thành con chó bông, những quả ổi, quả cam thành những chàng vệ sỹ và những chú lật đật ngộ nghĩnh, quả dưa được ôm hình Tổ Quốc Việt Nam... có chăng chỉ phải mua thêm cặp bánh nướng, bánh dẻo. Thời gian đợi trăng, phá cỗ là những khoảnh khắc khó quên nhất, các em thiếu nhi đã "giết thời gian" bằng những trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, trốn tìm đuổi bắt... Tuy nhiên, trong đời sống hiện tại thì những hoạt động trên không còn mấy nơi duy trì.
Hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng để mỗi trò chơi trong dịp Tết Trung thu ngoài tiêu chí là vui, hấp dẫn còn phải mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Để hấp dẫn được các em nhỏ, thì các anh chị trong Chi đoàn là những người hướng dẫn, còn người thực hiện nhiệm vụ như: cắt giấy, làm hoa, làm đèn ông sao, đèn kéo quân... là các em nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, múa lân, nhảy bao bố, múa kiếm, bắn nỏ... Đặc biệt, khuyến khích các em phát huy tính sáng tạo, cách làm hay để tự biên, tự diễn các tiết mục văn nghệ, trò chơi mang đậm nét văn hóa truyền thống. Nội dung của những câu hỏi trong phần thi "Hái hoa dân chủ" sẽ tập chung tìm hiểu về chủ đề Đội, về văn hóa dân tộc... Qua nhiều lần tổ chức vui Trung thu cho các em thiếu nhi, chúng tôi nhận thấy các trò chơi dân gian hoạt động truyền thống vẫn thực sự hấp dẫn các em.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những hoạt động đó mới chỉ mang tính phong trào, chứ chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Một trong những nguyên nhân chính đó là, các đồng chí Bí thư chi đoàn cơ sở thường xuyên bị biến động nên khó triển khai được những hoạt động mang tính "dài hơi". Trong khi đó, quỹ thời gian dành cho việc học chiếm quá nhiều, sân chơi cho trẻ vì thế mà cũng ít đi. Theo tôi, để duy trì những nét đẹp trong văn hóa truyền thống trong lễ hội Trăng rằm là rất cần thiết và không khó, song để thực hiện được đòi hỏi phải có sự quan tâm, định hướng của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (Thực hiện)