Nhưng để tìm sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người Ninh Bình sản xuất, làm ra, còn hơi khiêm tốn. Có lẽ, chỉ có 2 địa điểm là bày bán khá nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đậm chất Ninh Bình là tại khu du lịch Tam Cốc- Bích Động với sản phẩm thêu ren và sản phẩm cói tại Nhà thờ đá Phát Diệm. Ngay tại Nhà thờ đá Phát Diệm, cả một dãy phố kinh doanh mặt hàng lưu niệm nằm ngay cạnh đường vào nhà thờ là bày bán khá nhiều sản phẩm có liên quan mật thiết đến nghề đan cói truyền thống của người dân Kim Sơn với các mặt hàng: Nào mũ cói, làn cói, bình hoa bằng cói, dép cói… đáp ứng nhu cầu tìm mua quà lưu niệm của du khách khi đến Kim Sơn. Hỏi chuyện một chủ cửa hàng lưu niệm về nguồn gốc của các sản phẩm cói đang được bày bán tại cửa hàng, bác cho biết: Thực ra để có sản phẩm bày bán, chúng tôi phải đến các doanh nghiệp sản xuất cói đặt mua theo những mặt hàng mà doanh nghiệp có sẵn để xuất khẩu. Chẳng có doanh nghiệp nào sản xuất riêng mặt hàng lưu niệm vì khối lượng sản phẩm mà các cửa hàng ở khu vực Nhà thờ đá đặt mua không đáng kể, lại không thường xuyên…
Không thể phủ nhận Ninh Bình là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp không khói với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng: hàng trăm di tích lịch sử, hàng nghìn lễ hội, các danh thắng đẹp đang từng bước được khai thác, hoàn thiện… ngày càng hấp dẫn và thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn vào thị trường sản phẩm đồ lưu niệm trước kia và hiện nay, quả là chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của du lịch. Chưa kể, Ninh Bình còn là địa phương sở hữu nhiều làng nghề truyền thống, các sản phẩm làm ra xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được nhiều người biết đến như: làng nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải- Hoa Lư), làng nghề mộc Phúc Lộc (Ninh Phong- thành phố Ninh Bình), nghề cói truyền thống Kim Sơn, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) gốm Gia Thủy (Nho Quan)…
Những năm qua, ngoài 2 sản phẩm lâu đời là thêu ren và cói đã được giới thiệu tại nhiều khu, điểm du lịch, là nhiều sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến, những sản phẩm của làng nghề truyền thống khác như: đá mỹ nghệ, gỗ, gốm… chưa được khai thác và phát huy lợi thế để trở thành mặt hàng lưu niệm có ý nghĩa và giá trị kinh tế. Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 20132 nhằm mục đích khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy những ý tưởng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có kiểu dáng phù hợp với thị hiếu khách hàng và làm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Ninh Bình trên thị trường, nhất là các sản phẩm có ưu thế phục vụ du lịch. Cuộc thi đã thu hút hơn 100 sản phẩm thuộc các ngành nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh như: thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, rượu, cói, gốm, gỗ…
Các tác phẩm dự thi được đánh giá trên các tiêu chí như: tính mới, có khả năng áp dụng rộng rãi trong các cơ sở sản xuất, có tính thẩm mỹ cao, ứng dụng chặt chẽ, đảm bảo tính nghệ thuật- dân tộc- hiện đại- đại chúng, có hiệu quả kinh tế- xã hội. Để chuẩn bị cho cuộc thi, các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp đã có những chuẩn bị kỹ càng, chu đáo với mong muốn sản phẩm của doanh nghiệp góp phần đem lại sự mới mẻ, độc đáo, sáng tạo cho thị trường hàng lưu niệm của Ninh Bình. Ngay tại doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Vạn Bảo Ngọc (phường Tân Thành- thành phố Ninh Bình), mấy năm gần đây đã tích cực sản xuất các sản phẩm lưu niệm phục vụ cho du lịch. Thông qua các chất liệu đa dạng như: gỗ, tre, nứa, đất, gốm, bột đá giả ngọc... các điển tích, lịch sử, danh lam, thắng cảnh của vùng đất Ninh Bình: núi Thúy, sông Vân, khu du lịch sinh thái Tràng An, cờ lau tập trận… được thể hiện sinh động thành các sản phẩm lưu niệm khá bắt mắt.
Theo chủ doanh nghiệp, anh Phạm Bá Ngọc: Tôi đã đi nhiều làng nghề truyền thống về gỗ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhận thấy "mảng" sản phẩm thủ công mỹ nghệ hầu như bị bỏ ngỏ, ít người làm bởi sự kỳ công, tỉ mỉ từ việc thiết kế mẫu cho đến việc lên khuôn sản phẩm. Ngay khi tung ra các sản phẩm phục vụ du lịch, nhiều sản phẩm của Vạn Bảo Ngọc như: móc chìa khóa, vòng tay, lọ hoa… được các khu du lịch nổi tiếng như: Hà Nội, Hội An… đón nhận ngay. Nhiều năm nay, doanh nghiệp của anh đã trở thành nơi cung cấp sản phẩm du lịch cho các địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch. Tuy nhiên, thị trường du lịch Ninh Bình lại đang bị "bỏ ngỏ". Thời gian vừa qua, anh đã mày mò tìm hiểu về các làng nghề truyền thống với các sản phẩm đặc trưng để hình thành nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng được các tiêu chí mà khách du lịch cần, đó là các sản phẩm nhỏ, xinh, tiện dụng khi vận chuyển, mang đậm đặc trưng vùng đất cố đô.
Và thời gian này là khoảng thời gian doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, sáng tạo các sản phẩm mang đậm chất Ninh Bình để giới thiệu với du khách tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tham gia cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tổ chức, doanh nghiệp Vạn Bảo Ngọc mang tới 10 sản phẩm mới, đó là: đồng tiền cổ thời Đinh mạ vàng, ống bút bằng gỗ có hình ảnh cờ lau tập trận, tượng gốm đàn trâu, tranh gỗ... Và ngay sau cuộc thi, doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch cụ thể để giới thiệu sản phẩm lưu niệm của mình tại các khu, điểm du lịch, các khách sạn lớn trong tỉnh để quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Nếu kế hoạch thành công, cùng với việc mang lại thu nhập cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động mà chủ yếu là lao động khuyết tật đang làm việc tại Vạn Bảo Ngọc, các sản phẩm lưu niệm mang đậm nét văn hóa, truyền thống Ninh Bình còn góp phàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, vùng đất Ninh Bình đến với du khách trong nước và quốc tế một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Trong khi thị trường sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch chưa hình thành và phát triển mạnh mẽ, việc sản xuất sản phẩm lưu niệm vẫn mang tính tự phát, mạnh doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp ấy làm, chưa thành một dây chuyền, hệ thống… thì hoạt động này đang cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng và của các địa phương trong tỉnh. Các doanh nghiệp cần sự định hướng, hỗ trợ về vốn, mặt bằng của các địa phương, cần sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cần được giúp đỡ về kiến thức, thị trường để sáng tạo các mẫu mã, sản phẩm phù hợp từ ngành chức năng… Trong đó, cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ được xem như một trong các lực đẩy, góp phần "mở cánh cửa" cho thị trường sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Bùi Diệu