Để việc đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường đạt hiệu quả cao, một điều quan trọng là phải huy động được cán bộ, giáo viên trong trường cùng quyết tâm thực hiện - phải xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, có năng lực chuyên môn tốt và luôn luôn quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Tạo điều kiện để giáo viên trong trường được tham gia góp ý kiến, hiến kế vào chương trình, kế hoạch của nhà trường; được tiếp cận với những vấn đề mới của giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng.
Với mô hình trường học mới đã tạo ra sự thay đổi căn bản, không khí học tập trong nhà trường sôi nổi, học sinh chủ động, tích cực với các hoạt động ở lớp, gia đình và cộng đồng. Học sinh học theo mô hình trường học mới bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng, đồng thời mạnh dạn, tự tin, linh hoạt trong giao tiếp và trong học tập. Nhiều kỹ năng sống được học sinh rèn luyện ở môi trường dân chủ, tự quản, thân thiện, tích cực và cởi mở. Giáo viên chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, theo dõi kiểm soát học sinh tự học.
Khó khăn đầu tiên thực hiện theo mô hình này đó là, khi thành lập Hội đồng tự quản, các em có tự quản được không, có làm được như lý thuyết được tiếp thu hay không? Trong từng bài học cụ thể thì chất lượng ra sao? Làm thế nào để một nhóm dưới sự điều hành của nhóm trưởng lại mang lại kết quả tốt, không tồn tại tình trạng học sinh nói chuyện riêng. Sau một thời gian nghiên cứu với quyết tâm cao, lại được tập huấn và tìm hiểu thêm qua các phương tiện thông tin và cùng trao đổi với đồng nghiệp, giáo viên đã dần cảm thấy được cái hay, cái đẹp và tính ưu việt của VNEN, đã dần nhận ra và luôn muốn khám phá những ưu điểm của mô hình này, coi đó là một động lực để thực hiện tốt trong trường mình.
Từ lớp học truyền thống cô giảng- trò nghe; cô đọc- trò chép, bây giờ thay vào đó là học sinh tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức theo nhóm- vốn là đặc trưng của lớp học VNEN. Mỗi nhóm học tập có từ 4-6 học sinh chia làm 2-3 cặp đôi. Nhóm trưởng là người nhận nhiệm vụ từ giáo viên, điều hành hoạt động của nhóm và báo cáo kết quả hoạt động của nhóm với cô giáo. Nói là hoạt động nhóm nhưng trước hết học sinh phải tự học, thông qua việc tự trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn học để có những hiểu biết cá nhân về việc học tập. Các thành viên trong nhóm nhận xét trình bày của bạn, giáo viên đi đến từng nhóm kiểm tra, công nhận kết quả mà học sinh tiếp thu được từ sự tương tác trên. Nếu học sinh tiếp thu lệch thì giáo viên điều chỉnh tại nhóm của học sinh. Nếu nhiều nhóm đều xảy ra nhầm lẫn thì lúc này giáo viên sẽ yêu cầu cả lớp cùng hướng lên bảng để cô giáo hướng dẫn và hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Với suy nghĩ và cách làm như vậy, giáo viên tìm thấy sự tự giác ở mỗi cá nhân, tự học, tự khám phá kiến thức. Mỗi cá nhân đều phải nỗ lực, không thể ỷ lại vào người khác, phát huy tính chủ động, năng lực tự học, học sinh có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng khi làm việc cá nhân và có nhiều cơ hội phát huy năng lực hợp tác khi học nhóm. Hoạt động trong tập thể nhóm đã phát triển về tình bạn, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tương trợ, ý thức cộng đồng.
Như thế, mỗi ngày đến trường, mỗi giờ học... các em cảm thấy học tập thật nhẹ nhàng, thân thiện. Không khí học tập vui vẻ, hào hứng và thực sự coi mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Bởi mỗi ngày đến lớp, các em được vui chơi, tự khám phá kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng và được công nhận, trân trọng những thành quả học tập mới. Những học sinh nhút nhát sẽ thay đổi. Các em sẽ hòa đồng và mạnh dạn hơn trong các hoạt động tự học, tự giáo dục. Ngôn ngữ giao tiếp, kiến thức gắn với thực tế được các em áp dụng một cách tự nhiên, hứng thú.
Giờ đây, giáo viên nhà trường đã không còn cảm giác lo âu mà thay vào đó là niềm vui, nhiệt huyết làm việc. Sự vất vả ban đầu khi tiếp cận cái mới nay đã được đền đáp. Mô hình trường học mới - VNEN đã mang đến cho thầy trò nhà trường một động lực mới: Động lực để đi đến sự tự tin, tự học, tự khám phá, tự rèn luyện, tự trau dồi và tự khẳng định bản thân.
Những kết quả bước đầu đạt được từ Trường Tiểu học Thanh Bình, mong rằng mô hình trường tiểu học mới sẽ được triển khai rộng rãi hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phạm Thị Xuân Thu
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Bình- thành phố Ninh Bình