Từ nhiều năm nay các địa phương trong tỉnh đã chú trọng tới các giải pháp mở rộng diện tích cây vụ đông, việc chuẩn bị cho vụ đông được thực hiện ngay từ đầu năm. Đó là cấy sớm vụ đông xuân, đẩy nhanh vụ mùa, tạo quỹ đất cho vụ đông được áp dụng ở tất cả các huyện thị, thành phố. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, vụ mùa 2009 toàn bộ diện tích lúa được cấy sớm hơn so với vụ mùa năm trước 5-7 ngày. Đến thời điểm này, diện tích trà mùa sớm để làm vụ đông trên đất 2 lúa đã và đang cho thu hoạch, đảm bảo thời vụ cho cây trồng có thời vụ khắt khe như đậu tương, ngô, lạc đông, bí xanh...
Năm nay, sản xuất vụ đông ở tỉnh Ninh Bình có một số yếu tố thuận lợi như: giá vật tư đầu vào tương ổn định, các giống ngô, đậu tương, khoai tây, rau đậu khá phong phú về chủng loại và dồi dào về nguồn cung. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương tiếp tục có các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vụ đông; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phục hồi, nhất là ngô, đậu tương, các loại rau đậu chất lượng cao, an toàn...
Tuy nhiên, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 có mưa lớn trong nhiều ngày liền, đã ảnh hưởng đến thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất làm vụ đông và tiến độ trồng cây màu lùi lại, cùng với đó là thời vụ cho cây trồng sớm vốn đã khắt khe, nay càng khắt khe hơn, bà con nông dân phải chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giờ để ra đồng trồng những cây đông sớm, phấn đấu trồng xong trước ngày 10-10.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh trồng được trên 7.000ha cây vụ đông trong tổng diện tích kế hoạch là 22.500ha, trong khi diện tích cây trồng sớm còn nhiều mà thời vụ chỉ còn vài ngày, giải pháp để đảm bảo KH đề ra về thời vụ và diện tích là đẩy mạnh tiến độ sản xuất vụ đông, trong đó ưu tiên cho các cây màu sớm.
Đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: cây trồng ưu ấm được trồng kết thúc càng sớm càng có điều kiện sinh trưởng và phát triển thuận lợi, nhất là trong giai đoạn trỗ hoa, đậu quả, không gặp phải thời tiết lạnh, do vậy cần đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây đông sớm, riêng đối với đậu tương thời điểm này nên đưa giống ngắn ngày vào gieo trồng, cùng với đó là chủ động tiêu nước đề phòng có mưa lớn xảy ra làm mất trắng.
Từ giá trị đem lại ở cây màu vụ đông, các địa phương trong tỉnh càng quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hiện vụ đông đạt kết quả cao. Ngay sau khi trời tạnh ráo, hửng nắng, bà con nông dân đã huy động nhân lực ra đồng tiến hành trồng lại diện tích đậu và rau màu bị hỏng, rặm tỉa cho diện tích bị khuyết cây và tập trung chăm sóc, bổ sung phân bón cho cây màu đã trồng, để cây sinh trưởng và phát triển kịp thời vụ. Đặc biệt tiến hành trồng nốt diện tích theo KH đối với các cây màu như ngô, đậu tương, bí xanh, lạc đông.
Cây đậu tương là cây được đánh giá là cây cho giá trị kinh tế cao, quy trình không khó, vốn đầu tư ít, tiêu thụ dễ nên được đưa vào diện rộng, tuy nhiên, để đảm bảo gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất, giải pháp được ngành NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân là đưa cơ giới hóa vào sản xuất, như gieo bằng máy gieo hạt, cắt rạ bằng máy, những diện tích lúa mùa để làm vụ đông đưa máy gặt vào sử dụng để nhanh chóng giải phóng đất trồng cây đông... Các kinh nghiệm trong sản xuất vụ đông được nhiều địa phương triển khai rộng rãi để bà con nông dân áp dụng, như bổ sung phân bón kịp thời cho ngô sau mưa, nhằm phòng ngừa hiện tượng huyết dụ trên lá do thiếu dinh dưỡng, gieo đậu phải rạch rãnh, chủ động tiêu nước cho các cây màu, nhất là giai đoạn đầu...
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây màu sớm, ưa ấm, các địa phương đang tập trung chỉ đạo kiểm tra các công trình đầu mối, triển khai khơi thông dòng chảy, để chủ đông tưới tiêu, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bà con nông dân nghiêm túc thực hiện quy trình gieo trồng, chú ý làm rãnh tiêu nước cho đậu tương, lên luống trồng bí, ngô...và chuẩn bị giống, phân bón trồng tiếp các cây ưa lạnh, ít khắt khe về thời vụ như: khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại để đảm bảo kế hoạch về diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế từ sản xuất vụ đông.
Huy Hoàng