Phát triển chưa xứng tầm
Những gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ: Cơ cấu đàn gia súc, gia cầm có nhiều chuyển biến theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phương thức chăn nuôi đã dần chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, công nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện; sản phẩm chăn nuôi cơ bản đảm bảo cho nhu cầu thực phẩm trong tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, chăn nuôi vẫn chưa được chúng ta quan tâm đúng mức, dẫn tới chăn nuôi chưa khai thác được hết những tiềm năng, lợi thế, chưa phát triển xứng tầm.
Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay giá trị sản xuất chăn nuôi chỉ giao động quanh con số 30% của tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Về hình thức tổ chức sản xuất, gần như 100% đàn trâu bò đang được nuôi theo hình thức chăn nuôi nông hộ, dựa vào nguồn thức ăn là chủ yếu; chăn nuôi gia cầm, thủy cầm cũng có khoảng 85% là chăn nuôi nhỏ lẻ; chăn nuôi lợn nông hộ cũng chiếm đến 70%; trong khi đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng dưới 30% tổng cơ cấu đàn.
Toàn tỉnh chỉ có khoảng 130 trang tại chăn nuôi theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Về tình hình tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu vẫn là tiêu thụ qua thương lái; xuất khẩu tiểu ngạch thịt hơi, thịt lợn sữa động lạnh có nhưng rất thấp. Sản phẩm trâu bò cung cấp trong tỉnh còn thiếu hụt so với nhu cầu nên phải nhập từ các tỉnh miền núi phía Bắc, phía Nam.
Một số sản phẩm chăn nuôi đã và đang xây dựng được thương hiệu như dê núi nhưng nguồn cung cấp trong tỉnh lại thiếu.
Đặc biệt hiện nay, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chúng ta chưa hình thành được chuỗi giá trị sản xuất khép kín trong sản xuất từ chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hướng tới một nền chăn nuôi chuyên nghiệp
Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, nội dung Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đề cập đến các vấn đề chính bao gồm tái cơ cấu chăn nuôi theo đối tượng vật nuôi, theo phương thức sản xuất chăn nuôi; đổi mới hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Theo đó sẽ lựa chọn đối tượng vật nuôi phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của từng vùng để tạo lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, đối với đàn lợn, phát triển theo hướng nạc hóa, đồng thời duy trì đàn lợn nái ngoại địa phương. Chăn nuôi gia cầm, phát triển chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn tiến tới xây dựng thương hiệu gà Cúc Phương ở vùng đồi Nho Quan, phát triển chăn nuôi vịt ở vùng có điều kiện về diện tích mặt nước, vùng cấy 1 vụ lúa như Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan, Yêu Mô.
Đối với đàn bò, ưu tiên cho công tác cải tạo giống để nâng tầm vóc, chất lượng của bò thịt. Riêng với đàn dê, phát triển theo 3 hướng: hướng chuyên thịt bằng cách phát triển đàn dê ngoại, dê lai để nâng cao tầm vóc và sản lượng, hướng bảo tồn và phát triển đàn dê cỏ địa phương để tạo sản phẩm đặc trưng chất lượng cao và cuối cùng là hướng chuyên sữa.
Trong đề án lần này, ngành Nông nghiệp cũng định hướng chăn nuôi tập trung theo trang trại, chăn nuôi công nghiệp nhưng vẫn hỗ trợ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản phẩm chăn nuôi, là kế sinh nhai, tạo thu nhập cho nhiều nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời gian qua, ngành đã tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại tiếp cận với những ưu đãi từ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Do vậy, từ cuối năm 2014 đến nay, số lượng các trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại tăng mạnh, tập trung ở các huyện Nho Quan, Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh.
Đối với đàn đại gia súc (trâu, bò) có chiều hướng tăng nhẹ về tổng đàn, đặc biệt đàn bò lai vẫn đang giữ được tốc độ cải tạo, Sind hóa cao (đạt 128,8%). Đây là tiền đề để nâng cao năng suất, chất lượng thịt sau này.
Thực hiện Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, các địa phương cũng đang hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào các khâu thiết yếu nhất mà khu vực chăn nuôi nông hộ đang còn yếu kém và có tác động đến nhiều hộ như sản xuất con giống, vacxin và xử lý môi trường… Trước mắt là triển khai việc hỗ trợ thụ tinh nhân tạo, nâng cao chất lượng đàn lợn đực giống.
Ngoài ra, các mô hình như: thụ tinh giống bò lai cao sản 3B, mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, mô hình nuôi dê sữa cũng đang được triển khai có hiệu quả.
Để Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi tiếp tục triển khai đạt kết quả, ngành đang tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi Ninh Bình đến năm 2020, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của từng vùng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và thị trường.
Trong đó thị trường là yếu tố quan trọng sẽ được cân nhắc kỹ trong các phương án quy hoạch. Gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với yêu cầu xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, với hệ thống giống và giết mổ chế biến gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, triển khai mạnh chủ trương xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp, người sản xuất được thụ hưởng và đầu tư thêm vốn tham gia nhiều hơn vào các chương trình, lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích.
Nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm 2015 là quản lý tốt tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm tra vận chuyển gia súc, gia cầm.
Thực hiện tốt việc vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; thực hiện tốt mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi bò và mô hình chăn nuôi dê sữa.
Hà Phương