Nét nổi bật trong thời gian qua là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho nông dân có nhiều đổi mới, tạo nên bước đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Hàng năm, các ngành chuyên môn của tỉnh tổ chức thực hiện bình quân trên 50 đề tài, chương trình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ chương trình giống cây trồng, vật nuôi; chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng rộng rãi góp phần tăng năng suất lao động; tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm chỉ đạo như mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất rau an toàn, rau có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới; mô hình thâm canh lúa theo hướng VietGAP; đưa các giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất...
Trong chăn nuôi, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh phát triển theo chiều sâu cả về năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các trang trại quy mô lớn, toàn tỉnh hiện có khoảng 135 trang trại, 339 gia trại chăn nuôi.
Về thủy sản, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mô hình ứng dụng công nghệ trong cấy ghép ngọc trai ngày càng được nhân rộng và phát triển.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt và có nhiều tiềm năng để nhân ra diện rộng, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác và tăng thu nhập cho người dân.
Kết quả rõ nét nhất là giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác liên tục tăng, năm 2017 đạt 110 triệu đồng/ha; thu nhập của người nông dân được nâng lên, cuộc sống được cải thiện, quyền làm chủ, vai trò chủ thể ngày càng được phát huy; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn có những hạn chế, đặc biệt là quá trình ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, trình độ quản lý, vận hành cao, trong khi các tổ chức, cá nhân tham gia còn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ; chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, tính hợp tác trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; việc liên kết giữa đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và có những chính sách hợp lý nhằm khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, cần chú trọng đến nội dung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp và quỹ đất dành cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch và phát triển trang trại.
Triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm các loại giống cây trồng, vật nuôi mới.
Đồng thời chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực. Có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ để người sản xuất dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, với tiến bộ khoa học công nghệ.
Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà: "Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông" nhằm tạo dựng một nền sản xuất nông nghiệp khoa học, đồng bộ, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Phát động, tổ chức tốt các phong trào, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn, vận động, hỗ trợ nông dân mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ là "chìa khóa" để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển, từ đó đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Minh Châu