Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử
Thứ Sáu, 09/05/2025, 10:10
Zalo
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng chính quyền điện tử là một trong những giải pháp nền tảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước hiện đại và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công dân đến thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Để cụ thể hóa mục tiêu theo Nghị quyết 01 và các Kế hoạch của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, bảo đảm phục vụ cho việc trao đổi thông tin trong hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành hệ thống một cửa điện tử.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử. Đảm bảo việc kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Đồng chí Hoàng Ngọc Khuyến, Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND, Trưởng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Hoa Lư cho biết: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố và các xã, phường đang tiếp tục phát huy hiệu quả trong quá trình hoạt động; 20/20 xã, phường duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện tiếp nhận và giải quyết 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận một cửa và trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Duy trì thực hiện nghiêm túc công tác liên thông tiếp nhận và giải quyết TTHC. Số lượng TTHC thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông tại UBND thành phố là 44 thủ tục lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận 7 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Công an đưa ra thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố.
Bên cạnh đó, tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá sự hài lòng của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC cấp huyện, cấp xã.
Năm 2024, tỉnh đã mở 43 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.829 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, đạt 153,6% kế hoạch năm 2024, trong đó tập trung bồi dưỡng về chuyển đổi số, kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với cán bộ, công chức cấp xã; tiếp tục bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh, vị trí việc làm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đến nay, việc ứng dụng ký số trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đảm bảo việc trao đổi văn bản điện tử được nhanh, thuận lợi, đảm bảo an toàn thông tin; tiết kiệm thời gian trình ký và chi phí in sao, chuyển phát tài liệu. Năm 2024, tỷ lệ văn bản đi được ký số trên Hệ thống của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh: Cấp tỉnh đạt 97,5%; cấp huyện đạt 95,4%; cấp xã đạt 96,9%. Hệ thống thông tin báo cáo được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước ở cả 3 cấp và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ.
Bộ phận tư vấn và hỗ trợ lĩnh vực đăng ký kinh doanh thuộc Phòng tư vấn và hỗ trợ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Ninh Bình.
Hạ tầng mạng viễn thông và kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống nền tảng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số.
Trung tâm dữ liệu đã cơ bản hoàn thành các cấu phần chính; kho dữ liệu dùng chung của tỉnh đã hoàn thành đầu tư hệ thống phần mềm lõi và máy chủ phục vụ cài đặt phần mềm (giai đoạn 1); Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng quốc gia và phát huy hiệu quả với số lượng giao dịch đạt cao. Triển khai hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Ninh Bình (LGSP) duy trì thực hiện kết nối với nền tảng quốc gia, thực hiện các dịch vụ về liên thông giải quyết TTHC, các dịch vụ về liên thông gửi, nhận văn bản điện tử... Các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao chủ trì đang tục triển khai các nền tảng: nền tảng địa chỉ số; nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS); nền tảng sàn thương mại điện tử; nền tảng quản trị tổng thể (đang tiếp tục thử nghiệm); nền tảng giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); nền tảng hóa đơn điện tử; nền tảng IOC; nền tảng định danh và xác thực điện tử (VNeID).
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì, phát triển ứng dụng Zalo OA để nhắn tin, quét mã QR thông báo trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; triển khai dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến thông qua một số ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh.
Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC. 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã tiếp nhận 42.829 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 86,18%.
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Ninh Giang, thành phố Hoa Lư.
Hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, Ninh Bình xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, tăng 14 bậc so với năm 2023.