Điểm sáng từ những mô hình
Mô hình nuôi trồng thủy sản tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh (huyện Kim Sơn) là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao thành công và cho hiệu quả kinh tế vượt trội.
Ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh cho biết: Công ty được thành lập trên cơ sở hợp nhất các hộ có vốn và đã có kinh nghiệm sản xuất nuôi tôm công nghiệp lâu năm. Năm 2016, Công ty thuê 7ha đất nhiễm mặn, cấy lúa kém hiệu quả của Công ty TNHH MTV Bình Minh để triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Trên diện tích đã thuê, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng khu nuôi thủy sản tập trung với hệ thống ao nuôi hiện đại và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới.
Toàn bộ hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, được bê tông hóa bờ, đáy. Riêng ao nuôi có diện tích 2,6 ha được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ giúp giảm thiểu sự tác động của những yếu tố thời tiết ngoại cảnh.
Việc làm mái che sẽ giúp ao nuôi chống rét, giữ ấm về mùa đông và chống nắng vào mùa hè, nhiệt độ ao nuôi luôn đảm bảo dù thời tiết có thay đổi thất thường. Mái che còn có tác dụng chống gió bão, che chắn lượng mưa lớn, giúp cho ao nuôi luôn giữ được độ mặn hợp lý.
Chính vì vậy, nuôi tôm công nghệ cao sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó, Công ty đầu tư hệ thống ao ươm riêng biệt, hệ thống ao xử lý nước và các bể lắng xử lý nước thải từ các ao nuôi, loại bỏ các chất thải, xả ra hệ thống mương bao quanh khu ao nuôi.
Trong quá trình nuôi, Công ty chú trọng phương pháp nuôi sinh học, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn. Qua một năm với 4 vụ sản xuất chính, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Tôm thành phẩm đảm bảo chất lượng và có năng suất từ 20-25 tấn/ha/vụ. Doanh thu một năm của Công ty đạt trên 20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí có lãi 7 tỷ đồng.
Tại huyện Yên Khánh, mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất rau an toàn trong nhà lưới đơn giản tại xã Khánh Hồng trên diện tích 1 ha, với sự tham gia liên kết của 35 hộ dân được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao và góp phần quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đây là mô hình do Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp tỉnh phối hợp với huyện Yên Khánh triển khai xây dựng thí điểm. Tham gia vào mô hình, các hộ dân được tập huấn và áp dụng các biện pháp canh tác mới như: ươm giống bằng khay xốp; trồng rau trong nhà lưới giản đơn có hệ thống tưới phun mưa; bón tăng hàm lượng phân hữu cơ vi sinh...
Kết quả, mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng rau thường do năng suất cao, rau an toàn nên giá thành cũng cao hơn. Theo tính toán, mô hình cho doanh thu khoảng 165 triệu đồng/ha trong 90 ngày, trừ chi phí lãi khoảng 90-100 triệu đồng/ha, cao hơn so với phương pháp bình thường từ 50-60 triệu đồng/ha.
Thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường, năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó tập trung vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản phù hợp với từng địa phương theo tinh thần "Mỗi làng một nghề, mỗi xã một sản phẩm", đồng thời triển khai thực hiện 15 xã điểm thực hiện mô hình tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã. Việc ban hành Nghị quyết 05 phù hợp với điều kiện và tình hình sản xuất của tỉnh cũng như phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện nay.
Để hiện thực hóa Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện. Trong năm 2016, Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp tỉnh đã bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới kín tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô; mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất rau an toàn trong nhà lưới đơn giản tại xã Khánh Hồng và xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh...
Cùng với việc triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nhân rộng các giống cây trồng mới và tạo điều kiện thu hút các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.
Do vậy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư, như: Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại huyện Kim Sơn; mô hình nuôi gà đẻ tại thành phố Tam Điệp; các mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao tại huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn...
Qua đánh giá sơ bộ, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt và có tiềm năng nhân rộng, tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo đánh giá, hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta còn ít. Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản là hướng đi giúp tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm việc sử dụng các hóa chất kháng sinh cấm vào quá trình nuôi và ổn định sản xuất.
Nhưng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, để xây dựng mô hình như hiện nay, Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh đã phải đầu tư 28 tỷ đồng. Vốn đầu tư quá lớn nhưng người dân lại khó tiếp cận các nguồn vốn vay hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng một trong những khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp chính là đất sản xuất. Sau dồn điền, đổi thửa, tỉnh ta bắt đầu tiến hành thử nghiệm tích tụ ruộng đất tạo điều kiện thu hút các cá nhân, doanh nghiệp có vốn, có tiềm lực vào đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhưng vì nhiều nguyên nhân nên việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế.
Thiết nghĩ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực mới, do vậy người nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ.
Cùng với sự nỗ lực của người dân, các ngành chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ, có cơ chế thông thoáng để người sản xuất dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Đồng thời có chính sách đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo những mảnh đất đủ lớn thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chuyển giao công nghệ, sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Hồng Giang