Đối với tỉnh ta, năm nào cũng xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ, không ít thì nhiều. Tính từ năm 2011 đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 20 vụ tai nạn lao động làm chết 28 người, giảm rất nhiều so với 5 năm (2006-2010) là 43 vụ tai nạn làm chết 43 người. Năm 2014 cả tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, chết 5 người. Còn cháy nổ, chỉ tính riêng năm 2014, Ninh Bình đã xảy ra 14 vụ cháy, trong đó có nguyên nhân từ chập điện là 10 vụ. Đó là số vụ tai nạn lao động gây chết người và cháy nổ do các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được thống kê. Thực tế có thể có xảy ra ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với số lượng lớn hơn, như: số vụ tai nạn không gây chết người, cháy nổ nhỏ mà đơn vị tự cứu chữa được... Nếu công tác thông tin báo cáo được thực hiện nghiêm chỉnh thì tai nạn lao động và cháy nổ chắc chắn không dừng lại ở những con số nêu trên.
Để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động, cháy nổ có thể kể đến 3 nguyên nhân chủ yếu sau: Về phía người sử dụng lao động, do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện cho người lao động về an toàn, vệ sinh lao động hoặc làm đối phó, cắt xén thời gian, nội dung; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ; không dành kinh phí thỏa đáng để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động. Về phía người lao động, nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) chưa cao, tuân thủ quy trình lao động không chặt chẽ, có vụ việc mặc dù biết mức độ nguy hiểm song vẫn cố tình không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định an toàn, dù được trang bị nhưng không sử dụng các phương tiện bảo hộ. Về phía cơ quan quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động chưa được tổ chức thường xuyên, do vậy chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm của doanh nghiệp về bảo đảm ATVSLĐ-PCCN. Chế tài của nhà nước về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh. Các biện pháp xử lý vi phạm còn chưa được áp dụng cương quyết, chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp tự khắc phục.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta nguy cơ về tai nạn lao động, cháy nổ rất lớn. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, số các doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động và cháy nổ có thể thống kê là: 33 doanh nghiệp khai thác đá, 02 doanh nghiệp khai thác than và 01 doanh nghiệp sản xuất và lưu trữ vật liệu nổ công nghiệp, 02 nhà máy sản xuất phân đạm, phân lân, 50 doanh nghiệp xây dựng, 30 nhà máy sản xuất gạch ngói nung, 05 nhà máy sản xuất xi măng. Cùng với đó là rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc, dầy da; các đơn vị truyền tải phân phối điện năng, xây lắp điện và rất nhiều các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán xăng dầu, khí ga… Hàng năm, các doanh nghiệp khai thác mỏ ở tỉnh ta sử dụng khoảng trên 1.500 tấn thuốc nổ, riêng năm 2014, khoảng gần 2.000 tấn thuốc nổ, điều đó càng làm tăng nguy cơ về mất ATVSLĐ và cháy, nổ nếu như quy trình sử dụng không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động và cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người lao động, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở phải tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng ý thức chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động và cháy nổ. Các cơ quan báo chí của tỉnh, Đài phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN của các đơn vị, doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN, tập trung làm tốt công tác thanh, kiểm tra ở các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh các nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động và cháy nổ, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán ất Mùi. Ban Chỉ đạo ATVSLĐ-PCCN của tỉnh tổ chức tốt Tuần lễ thứ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17 với chủ đề: " Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội" từ ngày 15 đến 21-3-2015.
Tai nạn lao động và cháy nổ gây thiệt hại về người và kinh tế để lại những hậu quả rất lớn cho cả gia đình, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội. Do vậy, để hạn chế tai nạn lao động và cháy nổ, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với mục tiêu duy nhất là đảm bảo an toàn lao động và cháy nổ là hạnh phúc của chúng ta.
Nguyễn Đông