Từ đó, đã có tác động tích cực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng và phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa"; xây dựng gia đình, làng xã, khu phố văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở... Không những phong trào được chú trọng mở rộng và phát triển mà còn quan tâm đến chất lượng, gắn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với chương trình "Xây dựng nông thôn mới", "Xây dựng văn minh đô thị", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng... Chương trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: 86% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 80% làng, thôn, bản, phố được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trở lên đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa; 100% thôn, làng, bản, phố có nhà văn hóa và khu thể thao; 80% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao; 75% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; trên 30% người dân thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luyện tập TDTT; trên 70% công nhân các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao... Đây là những mục tiêu phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh.
Để thực hiện hóa các mục tiêu quan trọng này, có rất nhiều việc phải làm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; huy động các nguồn lực; đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng; nâng cao nghiệp vụ công tác của Ban chỉ đạo phong trào ở các cấp... với những nội dung chương trình cụ thể. Song, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh và đi trước một bước. Theo đó, tiếp tục làm chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò của phong trào.
Những mục tiêu, phương hướng, giải pháp cụ thể phải được thể hiện trong Nghị quyết của các cấp ủy để tập trung lãnh đạo thực hiện... Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động làm cho mọi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng tự nguyện, tự giác thực hiện phong trào. Trong đó, đi sâu vào nâng cao chất lượng phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa xanh-sạch-đẹp-an toàn...
Tuyên truyền về thực hiện các phong trào cụ thể như: Phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt"; xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới"... Quan tâm tuyên truyền những kinh nghiệm về điển hình tiên tiến để nhân rộng phong trào.
Với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền của cả giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, xác định nhiệm vụ cho từng năm, từng quý và hàng tháng. Thông tin tuyên truyền từ Ban chỉ đạo đến các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, qua hệ thống báo cáo viên đến cung cấp miễn phí các tài liệu nghiệp vụ hỏi-đáp về phong trào. Thông qua đó tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, có sức lan tỏa thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng và hiệu quả thiết thực.
Nguyễn Kim