Theo khảo sát của Sở Công Thương, toàn tỉnh có khoảng 210 doanh nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thành phố thuộc các lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm khác. Trong đó có 30 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và 180 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại hiện đại trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đầu tư tại Ninh Bình đã có những đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu như: Sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất một số thiết bị, phụ tùng cho ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của tỉnh.
Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1751/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, qua khảo sát của Sở Công Thương cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát có tới 164 doanh nghiệp chưa biết về chính sách công nghiệp hỗ trợ, chiếm 78,1% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Như vậy mới chỉ có 21,9% doanh nghiệp được khảo sát biết về chính sách của Nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, do đó các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được những hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh đối với doanh nghiệp.
Qua công tác khảo sát, Sở Công Thương đã cập nhật tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đồng thời nắm bắt được nhu cầu và sự cần thiết hỗ trợ kinh phí để sử dụng kinh phí hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định, tập trung phát triển một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép. Do vậy, trước mắt tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián khẩu, các nhà máy trong nước và khu vực .
Để đạt mục tiêu trên, các cấp, các ngành trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đối với công nghiệp hỗ trợ của Trung ương và địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Một giải pháp không thể thiếu đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực sản xuất.
Qua đó cũng khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm