Bước tiến về thu hút đầu tư Ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Theo quy hoạch phát triển CCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 25 CCN với tổng diện tích 946,3 ha.
Đến nay UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 15 CCN; 10 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Riêng trong năm 2016, Sở Công thương đã tham mưu cho tỉnh thành lập thêm 8 CCN, trong đó có 5 cụm đã thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư kinh doanh hạ tầng. Những CCN này được thành lập để kịp thời phục vụ nhu cầu đầu tư của các chủ đầu tư sơ cấp và thứ cấp. Các dự án thu hút đầu tư hạ tầng và hoạt động sản xuất, kinh doanh vào các CCN này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI.
Nhiều dự án có tiến độ triển khai nhanh như: Dự án nhà máy sản xuất đồng bộ kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển giày dép của Công ty Ever Greet International Limited tại CCN Gia Vân; dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu Ninh Bình của Công ty TNHH Quốc tế Thịnh Vượng tại CCN Khánh Nhạc; dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu của Công ty TNHH giầy dép Athena Việt Nam tại CCN Yên Lâm... nâng tổng số dự án thu hút vào các CCN trên địa bàn tỉnh là 153 dự án, trong đó có 57 dự án của doanh nghiệp và 96 dự án do các cá nhân, hộ sản xuất đầu tư với tổng diện tích đã cho thuê hơn 163 ha.
Trong đó nhiều CCN có tỷ lệ lấp đầy đạt cao như: Ninh Phong 80%, Yên Ninh 95%, Đồng Hướng 52,37%, Mai Sơn 28,8%, Phú Sơn 100%, Sơn Lai 100%, Ninh Vân 34,8%, Khánh Nhạc 68,5%, Gia Vân 56,4%, Yên Lâm 30%.
Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN đã duy trì hoạt động hiệu quả, có lãi, làm tốt nghĩa vụ đối với ngân sách và tăng thu nhập cho người lao động trong doanh nghiệp. Doanh thu của các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các CCN năm 2016 ước đạt gần 1.250 tỷ đồng và nộp ngân sách ước đạt 25 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 5.700 lao động địa phương. Bên cạnh đó, việc đầu tư các CCN đã tạo điều kiện phát triển các nghề truyền thống, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, đồng thời từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư nông thôn tại CCN Ninh Phong và Ninh Vân.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút, lấp đầy diện tích CCN
Có thể nói năm 2016, hoạt động phát triển, thu hút đầu tư vào các cụm CCN đã có bước phát triển vượt bậc, thu hút được các dự án đầu tư FDI có vốn lớn, nhất là tại các CCN mới thành lập.
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, công tác thu hút đầu tư vào các CCN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết như: Việc các CCN hình thành trước khi Chính phủ ban hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về phát triển CCN chủ yếu do các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, đến nay mới chỉ xây dựng hệ thống công trình giao thông nội bộ, thiếu hạ tầng dùng chung của CCN (cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, cây xanh, chiếu sáng công cộng, thông tin nội bộ, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của CCN).
Bên cạnh đó, một số CCN có dự án không phù hợp với tính chất của CCN đã được phê duyệt, một số dự án chưa sử dụng hết diện tích đất, hoạt động kém hiệu quả lâm vào tình trạng phá sản hoặc nhà đầu tư không có năng lực tài chính phải dừng dự án nhưng thủ tục kéo dài; một số dự án đầu tư vào CCN chậm tiến độ triển khai.
Theo ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, lấp đầy các CCN, trong thời gian tới Sở tiếp tục tham mưu với tỉnh có giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua kênh gặp gỡ nhà đầu tư, kêu gọi vận động, kết nối với các hoạt động xúc tiến trong và ngoài tỉnh... để quảng bá rộng rãi tới các doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết đến các CCN, các cơ chế, chính sách thu hút đang được áp dụng tại tỉnh.
Đối với CCN đã triển khai trước khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở tham mưu cho tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư có kế hoạch bố trí kinh phí đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong CCN hoạt động; tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm đối với các dự án trong CCN triển khai chậm tiến độ, sử dụng không hiệu quả đất đai.
Với các CCN đã triển khai xong giai đoạn I, tiếp tục đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư và thực hiện mở rộng CCN khi có doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào CCN nhưng không còn quỹ đất cho thuê hoặc CCN đã đáp ứng đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60%.
Cùng với đó, các CCN thành lập mới cần thực hiện đầy đủ trình tự thành lập CCN, chú ý điều kiện về khả năng lấp đầy hơn 30% trong vòng một năm sau khi thành lập và có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.
Về công tác phối hợp quản lý, Sở Công thương giao cho Trung tâm Đầu tư phát triển CCN phối hợp với các ngành liên quan và các huyện, thành phố triển khai Nghị định về quản lý, phát triển CCN; tăng cường tuyên truyền các quy định mới của Nhà nước về quản lý, phát triển CCN để các chủ đầu tư đầu tư hạ tầng CCN, đầu tư dự án vào CCN thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm khi đầu tư dự án; cơ quan quản lý Nhà nước thấy rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp quản lý Nhà nước đối với CCN n
Bài, ảnh: Hồng Giang