Phong trào "Cả nước trở thành một xã hội học tập" được gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các mô hình "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học"… đã được ngành Giáo dục - Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh phát động rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng xây dựng ý thức thường xuyên tự học, tự nâng cao trình độ của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, các bản, làng, thôn xóm, cơ quan, đơn vị.
Thuận lợi trong việc đưa phong trào "Xây dựng xã hội học tập" ở Ninh Bình phát triển mạnh mẽ là do hoạt động và chất lượng giáo dục -đào tạo ngày càng ổn định. Quy mô trường lớp, học sinh không ngừng tăng. 100% xã, phường, thị trấn có đủ trường mầm non, tiểu học, THCS. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tăng theo từng năm và đạt 78,8% vào cuối năm học 2009-2010…
Về mặt chất lượng, 47% giáo viên trong tỉnh đã được đào tạo nâng cao trình độ trên chuẩn theo đúng kế hoạch. Các nhà trường đã tích cực tổ chức cho giáo viên đưa ra sáng kiến trong hoạt động dạy học đối với học sinh các cấp. Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế được quan tâm đúng mức…
Bên cạnh đó, sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ về KT- XH của tỉnh đã tạo thế và lực cho sự phát triển của giáo dục nói chung và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục thường xuyên, đặc biệt là sự phát triển của các Trung tâm học tập cộng đồng.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân, Sở Giáo dục -Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư cho các cơ sở giáo dục thường xuyên, chú trọng đẩy mạnh phương pháp giáo dục từ xa để thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông của xã, phường, thị trấn, các Trung tâm học tập cộng đồng…, nhằm thực hiện phương thức "học mọi nơi, mọi lúc".
Mỗi năm các trung tâm giáo dục thường xuyên đã thu hút khoảng 3.000 học viên vào học. Cùng với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm học tập cộng đồng được phát triển nhanh chóng. Từ năm 2002, toàn tỉnh đã có 100% các xã, phường, thị trấn thành lập được Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, cập nhật kiến thức về KHKT, tạo cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân được tham gia học tập, bồi dưỡng kiến thức.
Bên cạnh đó, các hình thức giáo dục thường xuyên khác như: các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh đã thực hiện liên kết đào tạo các hệ cao đẳng, đại học tại chức, từ xa với các ngành nghề nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo nghề cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cũng luôn quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, công nhân viên chức được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tin học, ngoại ngữ nhằm giúp mọi người tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hiện đại, bắt nhịp cùng sự phát triển của xã hội.
Từ sự hỗ trợ của tỉnh trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cho các cơ sở giáo dục thường xuyên, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia các lớp chuyên đề sau xóa mù, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, pháp luật, thời sự, các lớp chuyển giao KHKT, hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản…
Đặc biệt, một số Trung tâm học tập cộng đồng đã mở được các lớp chuyên đề, các lớp liên kết đào tạo nghề cho nhân dân địa phương, đáp ứng nhu cầu cần gì học nấy của người dân như: Trung tâm học tập cộng đồng xã Ninh Mỹ, Ninh Vân (Hoa Lư), Khánh Nhạc (Yên Khánh), Ân Hòa (Kim Sơn) …
Đến nay, Ninh Bình là tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS sớm. Toàn tỉnh có 146/146 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, không còn người mù chữ trong độ tuổi.
Tỉnh đã và đang tiến hành mở rộng đối tượng xóa mù chữ cho đối tượng ngoài độ tuổi (từ 36-45 tuổi), tích cực duy trì và phát triển các lớp bổ túc THCS, bổ túc tiểu học, các chuyên đề sau xóa mù. Hàng năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức các cấp được tham gia học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đã có trên 90% cán bộ xã, phường, thị trấn và cấp huyện, 100% cán bộ cấp tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức theo yêu cầu.
Trên 87% số người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng giúp nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bùi Diệu