Quy mô trường, lớp ở tất cả các cấp học đều có sự phát triển đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiểu học mức độ 2, THCS tiếp tục củng cố, duy trì vững chắc. Chất lượng giáo dục của các cấp học có chuyển biến tích cực, tỉ lệ học sinh học lực khá, giỏi tăng, tỉ lệ học lực yếu giảm. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng của Ninh Bình trong nhiều năm qua luôn đứng ở tốp 10 tỉnh, thành phố có kết quả cao trong toàn quốc.
Năm 2016, Ninh Bình tiếp tục duy trì ở tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước, có điểm trung bình các môn thi cao thứ 4 toàn quốc: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn tỉnh đạt 97,41%, trong đó cụm thi đại học đạt 99,15%, cụm thi tốt nghiệp đạt 94,92%. Thành tích thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế ổn định và có sự phát triển trong 5 năm gần đây. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng tăng cường theo hướng hiện đại, đồng bộ, số lượng trường học đạt chuẩn Quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo tăng nhanh, phát triển đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu; tuyệt đại đa số nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề, tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có phẩm chất đạo đức trong sáng, gương mẫu, tận tụy với nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD&ĐT của tỉnh ta cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Chất lượng, hiệu quả GD&ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương và đất nước; chưa chú trọng đúng mức giáo dục ý thức, kỹ năng sống và trách nhiệm công dân đối với học sinh; việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tuy đã đạt được kết quả ban đầu nhưng còn chậm và hiệu quả thấp; công tác quản lý giáo dục còn có những bất cập; chất lượng đội ngũ nhà giáo không đồng đều; hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống các trường dạy nghề còn hạn chế; việc liên kết giữa đào tạo với cơ sở sản xuất chưa được chú trọng đúng mức; cơ sở vật chất một số trường còn khó khăn, vẫn còn phòng học xuống cấp, còn tình trạng thiếu phòng chức năng để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày...
Để GD&ĐT Ninh Bình tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong thời gian tới, toàn ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", tăng cường kỷ cương, nền nếp, khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017. Các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác GD&ĐT, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, tập trung nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, giáo viên trong ngành giáo dục, để tạo sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận của xã hội khi tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Tập trung chỉ đạo toàn ngành đổi mới toàn diện GD&ĐT mà trọng tâm là đổi mới quản lý giáo dục và phương pháp dạy học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực; phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội và gia đình trong việc tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, giá trị sống cho học sinh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh; trang bị năng lực nghề nghiệp, làm cho thế hệ trẻ có đủ khả năng, bản lĩnh thích ứng với những biến đổi của xã hội, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh trong và ngoài nhà trường, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường và thu hút nhiều nhất các nguồn lực đầu tư cho phát triển GD&ĐT.
Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trên nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục phát triển sự nghiệp GD&ĐT của Ninh Bình theo hướng toàn diện và vững chắc; tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT; thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững và nâng cao vị thế của GD&ĐT Ninh Bình trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Minh Châu