Theo Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do quỹ BHTN chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và nhu cầu của người thất nghiệp. Trung tâm cũng đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện để tạo điều kiện cho lao động ở xa tiết kiệm được chi phí đi lại, tiện lợi trong việc khai báo hưởng trợ cấp cũng như tiếp cận các thông tin học nghề và việc làm tại cơ sở.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, vào ngày 20 hàng tháng, tại các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm kết hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn về chính sách BHTN. Thông qua các hoạt động như tổ chức tư vấn, nắm chắc nhu cầu học nghề của người lao động khi đến đăng ký thất nghiệp, Trung tâm đã cung cấp đầy đủ các thông tin về cơ sở dạy nghề, nghề đào tạo, thời gian đào tạo và mức chi phí đào tạo cho người thất nghiệp. Cùng với đó, Trung tâm đẩy mạnh việc tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp sau khi kết thúc khóa học nghề.
Chị Nguyễn Thị Làn (huyện Nho Quan) cho biết: Tôi đến Trung tâm đăng ký tham gia tư vấn bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ học nghề. Trước đây, tôi làm cho một doanh nghiệp. Nay doanh nghiệp cắt giảm nhân công do làm ăn không thuận lợi nên tôi phải nghỉ việc. Hiện tại, tôi đang thất nghiệp. Được cán bộ tư vấn, tôi muốn được hưởng hỗ trợ và đăng ký học nghề cắt may để sau này tôi có nhiều cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Với những nỗ lực đó, theo thống kê, chỉ tính riêng tháng 10 và 11-2014, Trung tâm đã tư vấn cho 176 lượt người, trong đó tư vấn về chính sách BHTN cho 62 người, 22 người hưởng BHTN được tư vấn học nghề và 92 người được tư vấn việc làm.
Tuy số lao động thất nghiệp đăng ký được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm ngày càng tăng, song theo đánh giá của các ngành chức năng thì số liệu vẫn còn khiêm tốn so với tổng số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh lý giải, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, giày da, xây dựng…, số lao động này qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp nên dù bị thất nghiệp họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới. Trong khi đó, người lao động sau khi học nghề với thời gian 3 tháng có được chứng nhận nghề sơ cấp. Nhưng thu nhập của người lao động trình độ sơ cấp lại không cao hơn so với lao động phổ thông, mà cơ hội được tuyển dụng lại rất hạn chế, bởi trình độ tay nghề khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học nghề quá thấp cũng là nguyên nhân khiến người lao động bị thất nghiệp không "mặn mà" với việc học nghề mới. Theo quy định, người bị thất nghiệp được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng và thời gian học nghề là 3 tháng. Nhưng phí dạy nghề hiện nay đều cao hơn so với mức hỗ trợ này rất nhiều. Đơn giản như một khóa học ngắn hạn nghề may công nghiệp đã mất khoản kinh phí là 2 triệu đồng. Nếu chỉ nhận được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng thì toàn khóa học sẽ chỉ được hỗ trợ 900 nghìn đồng.
Như vậy, người lao động sẽ phải đóng thêm 1,1 triệu đồng mới được tham gia khóa học nghề. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Mức hỗ trợ thấp và thời gian học ngắn như vậy khiến người lao động dù có muốn cũng không thể nào học được nghề mới. Tâm lý chung của các lao động chọn lao động tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới.
Được biết, tại các cuộc hội thảo về thực trạng dạy nghề cho lao động thất nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức trong thời gian qua, một phương án được đưa ra thảo luận và nhận được sự hưởng ứng cao đó là sẽ hỗ trợ học nghề cho những lao động bị thất nghiệp do tay nghề còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông qua lớp học này sẽ góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để người lao động có thể dễ dàng tìm được việc làm mới và "sống" được bằng nghề mình đã chọn.
Còn đối với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng tư vấn chính sách BHTN, học nghề, tạo việc làm giữa Trung tâm và các huyện, thành phố, thị xã. Trung tâm cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên, giám sát định kỳ việc thực hiện BHTN tại các cơ sở và một số doanh nghiệp trong tỉnh có nhiều lao động tham gia BHTN.
Bài, ảnh: Đào Hằng