Cho đến thời điểm hiện nay, tổng khối lượng đào đắp thủy lợi nội đồng của huyện Hoa Lư được trên 29 nghìn m3. Trong đó, Đội khai thác công trình thủy lợi huyện đảm nhiệm 7.650 m3 kênh các cấp; các xã, thị trấn đào đắp được 13.400 m3, nạo vét được 8.000 m3. Với tiến độ này, toàn huyện sẽ phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm đề ra. Nhiều đơn vị nỗ lực huy động nhân công thực hiện được khối lượng đào đắp nhiều như xã Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Giang, Ninh Vân, thị trấn Thiên Tôn…. Kết quả đó góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, tạo ra năng suất, sản lượng, giá trị cao, tăng thu nhập của nông dân.
Cùng với Hoa Lư, các địa phương khác như Yên Mô, Gia Viễn, Kim Sơn,…cũng đang mở chiến dịch cao điểm làm thủy lợi nội động. Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2009 - 2010 này toàn tỉnh sẽ đào đắp 1.039 nghìn m3, lắp đặt 5.908 cống nội đồng. Đến ngày 13/11, tổng khối lượng đào đắp thực hiện được trên 419 nghìn m3, đạt 32% so với kế hoạch. Một số đơn vị có tiến độ nhanh như thị xã Tam Điệp đạt 104% kế hoạch, thành phố Ninh Bình đạt 83% kế hoạch, huyện Yên Mô làm được 51%.
Việc tiến hành làm thủy lợi tập trung vào tu bổ sửa chữa các công trình bị bồi lắng, xuống cấp từ mùa mưa bão; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo tiêu tưới ăn chắc diện tích cây đông, giải quyết đủ nước đổ ải gieo cấy, tưới dưỡng vụ chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất, chủ động chống úng vụ mùa, đặc biệt là những vùng trọng điểm thường xảy ra úng. Để thực hiện tốt điều đó, đòi hỏi các đơn vị cần phải xây dựng các cống đầu mối phục vụ sản xuất, trước mắt là vụ đông; nạo vét các trục tiêu chính liên xã bị bồi lắng qua nhiều năm; xây mới mở rộng các cống khẩu độ hẹp, cốt đáy nông; khoanh vùng khép kín vùng thường từ 10 - 15 ha đảm bảo bờ vùng cao từ 0,7 - 1m so với mặt ruộng chủ động cho việc bơm tát. Tiến hành nạo vét hệ thống kênh lấy nước, kênh các cấp, ưu tiên xây dựng kênh cứng và cống đầu kênh cho các khu đồng chuyển dịch cơ cấu làm vụ đông.
Thực tế cho thấy, ở đâu mà công tác thủy lợi nội đồng được chú trọng thì người dân yên tâm, phấn khởi đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích cây vụ đông. Được biết, Yên Khánh là huyện có diện tích cây đông lớn nhất của tỉnh, với trên 5.400 ha. Đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 bằng những cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền ở đây luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc việc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch gieo trồng và chú trọng đến vấn đề thủy lợi nội đồng. Hệ thống kênh mương, đào đắp, tôn cao áp trúc bờ vùng bờ thửa, huy động nhân lực nạo vét các dòng chảy luôn được làm thường xuyên.
Riêng vụ đông xuân 2008 - 2009, toàn huyện đào đắp được gần 235 nghìn m3, vượt kế hoạch giao, trong đó gồm có nạo vét kênh mương các cấp, bờ vùng, bờ thửa; xây đúc 14 cống đầu kênh các loại, lắp đặt 204 ống; nạo vét mở rộng trục tiêu Phú Mỹ dài trên 2,3 km, xây đúc 4 cống trên kênh; nạo vét kênh Cửa Quán liên xã dài 1,8 km; kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2009 - 2010, các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức ra quân chiến dịch từ ngày 15/11 và duy trì đến hết năm 2009, với mục tiêu đào đắp trên 268 nghìn m3 gồm nạo vét kênh tưới, kênh tiêu, đắp bờ vùng, bờ thửa; xây dựng 94 cống đầu mối, kiên cố hóa 15,7 km kênh mương, lắp đặt 218 ống bê tông các loại tại các đầu kênh nhánh, ước giá trị đạt 23 tỷ đồng.
Điều ghi nhận ở các địa phương là các công trình thủy lợi nôi đồng được xây dựng phù hợp với quy hoạch của các hệ thống và phát huy tác dụng, đảm bảo phục vụ đổ ải, gieo cấy vụ chiêm đúng thời vụ, chống úng vụ mùa hiệu quả. Các công trình thi công đúng theo quy trình, chất lượng được nâng lên. Phong trào làm thủy lợi nội đồng đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, chính trị xã hội, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Bởi vậy khi phong trào phát động, các đơn vị, tổ, đội sản xuất, các HTX hưởng ứng rộng khắp, đồng bộ tổ chức ra quân chiến dịch.
Tuy nhiên, nhiều nơi mới chỉ chú ý đến trồng, chăm sóc cây màu, chưa quan tâm đúng mức đến phong trào làm thủy lợi nội đồng. ở hầu hết các địa phương, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ nạo vét, khơi thông, đào đắp thủy lợi là khung thời vụ gieo trồng gấp gáp, nông dân vừa tập trung thu hoạch lúa mùa, vừa tiến hành làm vụ đông nên lượng nhân lực huy động làm thủy lợi ít.
Vẫn còn một số đơn vị và người dân vẫn còn tư tưởng ỉ nại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước vì những năm trước đây việc làm thủy lợi có sự hỗ trợ kinh phí, đến nay đều phải tự túc bố trí nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, khí thế ra quân kém sôi nổi hơn trước. Việc làm thủy lợi nội đồng hiện nghiêng về nạo vét kênh mương, cống, bể hút các trạm bơm, tôn cao áp trúc bờ kênh, bờ vùng. Một số đơn vị khoanh vùng không khép kín, bờ vùng thấp hạn chế đến việc tiêu cục bộ. Nhiều trục tiêu liên xã bị bồi lắng chưa được nạo vét kịp thời, hệ thống cống đầu kênh thiếu nhiều.
Vụ đông phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi đang là mùa mưa bão, khả năng mưa lớn gây úng lụt là điều khó tránh khỏi, bởi vậy đây chính là thời điểm cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị và nhân dân trong công tác thủy lợi nội đồng.
Hoàng Tâm