Hiện nay tỉnh đã kiện toàn Trung tâm Tư vấn đầu tư Ninh Bình (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (tương đương Chi cục). Ban hành quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình 'Một cửa liên thông" đối với dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp...
Cuối tháng 11-2012, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp với diễn đàn xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực đồng bằng sông Hồng. Đã có 8 dự án được cấp và trao giấy chứng nhận đầu tư. Đến nay có một dự án đã cơ bản hoàn thành, xây dựng xong nhà xưởng, nhập máy móc thiết bị, nhưng chưa đi vào hoạt động đó là Dự án sản xuất nấm ăn và dược liệu phục vụ xuất khẩu; 4 dự án đang thi công xây dựng các hạng mục đó là các dự án: Khu du lịch sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương; Tổ hợp khách sạn 5 sao Tam Cốc-Bích Động; Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình và Dự án mở rộng bến cảng xuất hàng đường thủy giai đoạn II); 1 dự án đang hoàn thiện hồ sơ liên quan đến giải phóng mặt bằng (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Kênh gà 2); 1 dự án đang khảo sát, ép cọc và xây lại tường rào (Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao); 1 dự án mới khởi công trong tháng 5 (Phân bón Bình Điền). Trong số 5 dự án ký biên bản ghi nhớ tại hội nghị và diễn đàn xúc tiến đầu tư đã có 1 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Đài hóa thân hoàn vũ Việt-Đức); 1 dự án đã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Tổ hợp tài chính thương mại Đại Dương); 2 dự án còn vướng mắc về vị trí và địa điểm do liên quan đến dự án Công viên động vật hoang dã (Khu vui chơi giải trí Ninh Bình Happy Land và Khu chăn nuôi bò thịt chất lượng cao); 1 dự án đang chờ cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Sơn (nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Bình).
Phân xưởng sản xuất tại Công ty may Đài Loan (KCN Gián Khẩu). Ảnh: Đức Lam
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 6 tháng đầu năm 2013 đã có 10 đoàn khách quốc tế - doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến địa bàn tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án, 2 dự án được chấp nhận về chủ trương và đang hoàn chỉnh hồ sơ, 4 dự án ký biên bản ghi nhớ với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hút khoảng 500 lao động địa phương, ngoài ra còn có 5 nhà đầu tư đang tìm hiểu để đầu tư. Nhìn chung các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc ký biên bản ghi nhớ đều thuộc các lĩnh vực dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được triển khai tương đối nhanh. Điều đó chứng tỏ, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, nhưng Ninh Bình vẫn là địa chỉ có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư vào địa bàn cũng còn bộc lộ những mặt hạn chế: tỷ lệ dự án cam kết được triển khai chưa cao; không có dự án lớn mang tính đột phá; sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với dự án đã cấp phép chưa thường xuyên, chặt chẽ; có những dự án việc thẩm định, đánh giá chưa kỹ; tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà đầu tư chưa kịp thời; dịch vụ cho các nhà đầu tư còn ít...
Sản xuất giầy tại Công ty da giầy ADORA (KCN Tam Điệp). Ảnh: Phạm Trường
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư là: làm tốt công tác quy hoạch, tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư được thuận lợi và đúng định hướng; thu hút đầu tư từ trong nước và ngoài nước, chú ý đến các dự án có công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, dự án cho lĩnh vực dịch vụ du lịch, nông nghiệp, nông thôn; kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án sau cấp phép đầu tư; tiếp tục công tác thông tin quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đinh Chúc