Từ phong trào khuyến học, khuyến tài đã động viên, khích lệ người dân tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi tri thức, nâng cao kỹ năng, thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập và phát triển trong tình hình mới. Từ khi thành lập (năm 1999) đến nay, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã có sự trưởng thành nhanh chóng về cả quy mô và cơ cấu tổ chức cũng như chất lượng hoạt động. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nội dung của công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội trong tỉnh quan tâm xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng xã hội học tập. Tại các khu dân cư, việc đăng ký gia đình hiếu học nằm trong các tiêu chuẩn của danh hiệu gia đình văn hóa nên được nhiều gia đình quan tâm thực hiện và đăng ký. Thông qua việc dạy bảo, chăm lo cho sự học của con cháu hàng ngày, các điển hình tiên tiến từ phong trào xây dựng gia đình hiếu học đã khơi dậy phong trào học tập sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề cho các phong trào thi đua khác của Hội Khuyến học. Tháng 12-2009, kết thúc nhiệm kỳ II, toàn tỉnh có 1.422 chi hội, 1.331 dòng họ có ban khuyến học, 175.076 hội viên, bằng 19,4% dân số. Đến cuối nhiệm kỳ III (cuối năm 2014), toàn tỉnh đã có 260.685 hội viên, bằng 28,6% dân số, sinh hoạt tại 2.683 chi hội, có 180.687 gia đình đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, bằng 67% số hộ trong tỉnh, số gia đình được công nhận là 132.167 gia đình, bằng 73% số gia đình đăng ký; số dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ hiếu học là 2.825 dòng họ, trong đó có 55,96% dòng họ được công nhận; số cộng đồng dân cư đăng ký xây dựng cộng đồng khuyến học là 2.089, trong đó có 1.350 cộng đồng được công nhận, đạt tỷ lệ 64,62%... Cùng với phong trào khuyến học, khuyến tài tại các dòng họ, cơ quan, đơn vị, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh còn tích cực phối hợp với ngành giáo dục, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thúc đẩy hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng vào nền nếp. Thông qua Trung tâm học tập cộng đồng đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức, cung cấp thông tin, bồi dưỡng kỹ năng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đều được học tập và hưởng các quyền lợi trong học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết.
Nhận thức rõ công tác xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, những người làm công tác khuyến học trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, vận dụng linh hoạt thực tiễn để xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho khuyến học. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài được tổ chức nhân các dịp ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện quan trọng… nên thu được kết quả cao. Năm 2009 toàn tỉnh có số dư quỹ khuyến học đạt 4 tỷ đồng, đến nay số dư đạt trên 20 tỷ đồng. Mỗi đợt huy động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực, hiệu quả của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhiều cá nhân là các vị tăng ni đã có những hoạt động ý nghĩa trong việc xây dựng quỹ khuyến học như: khai bút đầu xuân, kết nối các tấm lòng nhân ái để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Tại các địa phương trong tỉnh, việc vận động xây dựng quỹ có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tổng số dư quỹ khuyến học các cấp đạt gần 50 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ khuyến học, trong nhiệm kỳ qua Hội Khuyến học các cấp đã khen thưởng và cấp học bổng cho hơn 20.000 lượt học sinh đạt thành tích cao trong học tập với số tiền trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 15 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, tỉnh Ninh Bình đã 4 lần tổ chức đại hội biểu dương gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học, huy động hơn 100 tỷ đồng trao thưởng cho hơn 20.000 lượt học sinh giỏi, học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; trợ cấp khó khăn, cấp học bổng cho hơn 100.000 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách với số tiền hơn 30 tỷ đồng... Hoạt động khuyến học, khuyến tài cũng đã thu hút nhiều tổ chức đoàn thể tham gia, như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức…
Với những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác khuyến học, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã và đang trở thành phong trào thi đua rộng khắp từ các gia đình, dòng họ, thôn, xóm, bản làng đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… Qua đó góp phần đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo cơ hội và điều kiện cho người dân trong việc học tập, nâng cao trình độ, mở mang tri thức, hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Với những thành tích đạt được trong phong trào khuyến học, khuyến tài 5 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, gần 600 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" của Hội Khuyến học Việt Nam…
Lê Văn Toại
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh