Trong điều kiện hiện nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày một nâng cao, âm mưu của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nếu cán bộ không chịu khó học tập sẽ bị tụt hậu, không giữ vững được bản lĩnh chính trị, dễ dẫn tới thoái hóa, biến chất, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) xứng tầm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC ở tất cả các cấp, các ngành và các lĩnh vực đào tạo, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU "về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa", HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích tài năng, đào tạo và thu hút cán bộ có trình độ cao về công tác tại tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2645 quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Quyết định số 2171 về việc ban hành Đề án đào tạo sau đại học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối tượng dự nguồn giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020…
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC ở các cấp, các ngành được triển khai nền nếp, đồng bộ, toàn diện từ việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đến tổ chức mở lớp và cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC có trình độ cao được tỉnh rất coi trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh, đồng thời chuẩn bị trước nguồn nhân sự chất lượng phục vụ cho đại hội đảng, bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành có liên quan tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh với nhiều loại hình đào tạo phù hợp với từng đối tượng; chú trọng đào tạo chuyên môn sau đại học, cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Điểm nổi bật là đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; xây dựng kế hoạch mở lớp cập nhật kiến thức cho các đối tượng cán bộ theo Quy định 164 của Bộ Chính trị; mở lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn chủ chốt cấp xã cho 70 người; 2 lớp đại học cho cán bộ đương chức, dự nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã chưa có trình độ đại học; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi đào tạo sau đại học phải đúng với chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học hoặc lĩnh vực đang công tác và những ngành, lĩnh vực tỉnh đang cần, qua đó góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. 5 năm qua, tỉnh đã cử 348 cán bộ đi đào tạo và hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị; 35 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý và cán bộ khối đảng, đoàn thể đi học thạc sỹ, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài từ nguồn ngân sách tỉnh và Đề án 165 của Trung ương; cử 98 cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh thuộc đối tượng 1, 2; cử 50 cán bộ đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài; mở 244 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho 31.002 lượt cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trình độ cao, tỉnh ta đã chú trọng một số chuyên ngành như giáo dục, y tế, kinh tế, luật, quản lý đất đai, quản lý hành chính, nông nghiệp, kỹ thuật điện tử...
Nhìn chung, CB, CC, VC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trình độ cao cơ bản phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và chuyên môn đang đảm nhiệm; hầu hết đều giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy được kiến thức trong các ngành, lĩnh vực đang công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt, đồng thời bước đầu đã xây dựng được đội ngũ CB, CC, VC có trình độ cao ở các ngành, các lĩnh vực bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Song song với đó, tỉnh cũng thực hiện các đợt bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh lãnh đạo, quản lý, qua đó từng bước đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, CC, VC trình độ cao đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh ta đang tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho CB, CC, VC được cử đi đào tạo sau đại học, chính sách về thu hút cán bộ có trình độ cao, bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II, chuyên gia đầu ngành, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm về công tác tại tỉnh; chính sách và quy định về cơ chế đặc thù năng khiếu để phát hiện tài năng. Tăng cường đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC trình độ cao từ nguồn ngân sách của tỉnh, đồng thời thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, CB, CC, VC được cử đào tạo sau đại học trong nước, ngoài nước bằng kinh phí nhà nước sẽ được tài trợ học phí, tiền tàu xe, vé máy bay, tiền ăn, lưu trú, sinh hoạt phí... và người được cử đào tạo phải cam kết phục vụ lâu dài, chấp hành sự phân công, giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương sau thời gian đào tạo. Tiếp tục đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất từng bước hiện đại hóa hệ thống giảng đường, hội trường, thư viện, thiết bị giảng dạy, ký túc xá... của Trường Chính trị tỉnh và Trường Đại học Hoa Lư, qua đó có tác động tích cực trong việc khuyến khích, động viên CB, CC, VC yên tâm học tập, nghiên cứu, từng bước xây dựng đội ngũ CB, CC, VC có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC trình độ cao cũng còn một số bất cập như: Đào tạo chưa đúng với chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học, chưa phù hợp với nhiệm vụ và chuyên môn được giao; cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, cân đối, tập trung nhiều ở các chuyên ngành quản trị kinh doanh, kinh tế chính trị, trong khi các ngành khoa học kỹ thuật, quản lý đô thị, du lịch, nông nghiệp còn rất hạn chế; chưa đào tạo được nhiều cán bộ có chuyên môn sâu, giảng viên giỏi, chuyên gia đầu ngành phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và sử dụng cán bộ; chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo cán bộ theo chức danh, đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo quản lý đương chức.
Từ thực trạng nêu trên, để quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành khảo sát, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh để đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC trình độ cao; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CB, CC, VC cũng như nhu cầu từng cơ quan, đơn vị, của các ngành, các lĩnh vực cần có đội ngũ cán bộ trình độ cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện tại và những năm tiếp theo. Để nâng cao hiệu quả trong quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC trình độ cao, căn cứ vào kết quả khảo sát và đề xuất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh trong việc cử đi đào tạo cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ.
Về đào tạo cao cấp, cử nhân lý luận chính trị, hàng năm, khi có thông báo chiêu sinh của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy nhiệm xem xét cử cán bộ trong quy hoạch, đúng đối tượng thông báo, lập danh sách, hồ sơ gửi về cơ sở đào tạo. Đối với các lớp cao cấp lý luận chính trị tại chức, căn cứ chỉ tiêu của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông báo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát, cử cán bộ trong danh sách quy hoạch, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi học.
Đối với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện đào tạo theo chức danh cán bộ, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và các kiến thức cần thiết khác; thống nhất chủ trương cử CB, CC, VC đi đào tạo sau đại học phải bảo đảm đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học hoặc những ngành, lĩnh vực đang công tác, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng những ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang cần, nhất là những ngành hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như du lịch, nông nghiệp, quy hoạch xây dựng đô thị, một số ngành khoa học kỹ thuật…, đồng thời việc cử CB, CC, VC đi đào tạo phải bảo đảm cơ cấu hợp lý, cân đối các chuyên ngành trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt chú ý cử cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, có triển vọng phát triển và sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở trong nước và nước ngoài bằng nguồn ngân sách của tỉnh và theo Đề án 165 của Trung ương; chú trọng, tăng cường đào tạo trình độ sau đại học cho cán bộ đương chức, cán bộ trong quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo.
Thực hiện công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo và phải theo chiến lược xây dựng đội ngũ CB, CC, VC của tỉnh trong từng giai đoạn. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và danh mục đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC mỗi địa phương, đơn vị phải xây dựng chiến lược và quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC trình độ cao của địa phương, đơn vị mình. Mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, trước mắt tranh thủ, mở rộng liên kết với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước, kết hợp đào tạo dài hạn tập trung với các loại hình đào tạo khác phù hợp với yêu cầu sử dụng, chức danh cán bộ.
Quỳnh Thu