Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng, các địa phương và các nhà trường, tình trạng vi phạm pháp luật, các tai, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên trên địa bàn đã được hạn chế tối đa. Phần lớn học sinh, sinh viên có lối sống lành mạnh, tích cực, có hoài bão, có lý tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn trường học trên địa bàn cũng còn nhiều tồn tại bất cập, cần nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết. Mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu "diễn biến hòa bình" đã tác động tiêu cực đến tư tưởng một bộ phận học sinh, sinh viên làm phai mờ đạo đức, lý tưởng, sống buông thả, thực dụng, vi phạm pháp luật. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên còn thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý truy cập, khai thác các thông tin, trò chơi trên Internet còn lỏng lẻo, chưa được siết chặt...
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học trong tình hình hiện nay góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các nhà trường, trọng tâm là: Quyết định Số 46 ngày 20-8-2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về "Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Chỉ thị Số 07 ngày 15-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về "Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới".
Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về âm mưu, phương thức, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; Bồi dưỡng nâng cao khả năng "Tự đề kháng" của học sinh, sinh viên trước cám dỗ của mặt trái cơ chế thị trường, tai, tệ nạn xã hội. Ngành Công an phối hợp với ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức phát động phong trào "An toàn trường học" tại 100% các trường học trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp trong trao đổi thông tin, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật. Các trường học phối hợp với lực lượng công an đa dạng hóa nội dung, hình thức để phong trào "An toàn trường học" đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên đặc biệt là giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống. Quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, nhất là các phong trào tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong học sinh, sinh viên. MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực tham gia phối hợp, chỉ đạo, phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật...
P.V