Đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Năm 2008, chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên được đưa vào đồng đất Ninh Bình theo chương trình khuyến công của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mở ra cách nhìn mới về việc đầu tư máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế vì lúc bấy giờ ruộng đất còn manh mún, giao thông nội đồng chưa đáp ứng được sự vận chuyển của máy móc trên đồng ruộng... nên đến năm 2010, khi chương trình dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, tạo ra những ô thửa lớn mới tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đưa máy móc vào đồng ruộng. Mặt khác, lúc này lực lượng lao động trong nông thôn đang bị thiếu hụt do các ngành nghề khác phát triển nên khi vào thời điểm thu hoạch, người nông dân phải thuê lao động với giá cao, thậm chí có lúc không thuê được lao động dẫn đến phải đầu tư chi phí lớn và làm chậm tiến độ thời vụ.
Nắm bắt được thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình hỗ trợ máy móc vào sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, với 1 chiếc máy gặt khi thu hoạch 1 sào lúa chỉ mất khoảng 15 phút với giá trung bình là 150.000 đồng, rẻ hơn 50% so với gặt thủ công mà người dân được nhận lúa ngay tại đầu bờ. Mặt khác, việc thu hoạch bằng máy còn giảm được tổn thất sau thu hoạch từ 6-7% so với gặt thủ công. Thực tế cho thấy, mỗi máy sau mỗi vụ thu hoạch đã gặt được hàng trăm ha, đem lợi nhuận về hàng trăm triệu đồng. Từ đó, đã tạo được "niềm tin" cho người dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có gần 500 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng được 70-80% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động trong nông thôn.
Cùng với việc hỗ trợ để đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng hỗ trợ máy làm đất có công suất lớn trên 24CV để thay thế những loại máy có công suất nhỏ nhằm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như tiến độ làm đất. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 máy làm đất, cơ bản đảm bảo được 100% ruộng được làm bằng máy. Công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo cho mỗi nhà 1 ô thửa lớn, gieo cấy tập trung, thu hoạch nhanh gọn bằng máy với sản lượng lớn cùng một lúc; thì công tác phơi sấy chở lại trở nên cấp thiết. Trung tâm Khuyến nông cũng đã hỗ trợ 5 máy sấy cho những vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại huyện Yên Khánh, máy có công suất 10 tấn/mẻ/ngày với chi phí giá thành hạ, được người dân chấp nhận nên đã giải quyết được phần nào nhu cầu phơi sấy trong điều kiện thiếu lao động và diện tích sân phơi ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo theo đúng yêu cầu về độ ẩm và tỷ lệ lẫn tạp.
Tại hầu hết các địa phương sau mỗi vụ thu hoạch lúa vẫn chưa có biện pháp sử dụng rơm rạ sao cho hiệu quả, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sống do việc đốt rơm rạ. Trong khi đó ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò và trồng nấm ăn đang cần nhu cầu nguồn nguyên liệu rất lớn. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai hỗ trợ 2 máy cuộn rơm tại xã Quang Thiện (Kim Sơn) và HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh). Năng suất máy đạt từ 30 - 50 cuộn/giờ,; trọng lượng đạt 15kg/cuộn với kích thước là rộng 50cm, dài 70cm rất phù hợp cho việc vận chuyển, bốc xếp và bảo quản. Hạch toán sơ bộ ban đầu giá thành mỗi kg rơm rẻ hơn 40-50% so với thu gom thủ công bằng tay.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì: Quy trình sản xuất lúa bao gồm: Làm đất-gieo mạ - cấy-chăm sóc, bảo vệ, tưới tiêu-thu hoạch-phơi sấy, bảo quản. Một số khâu trong quy trình sản xuất đã bước đầu được cơ giới hóa, đưa máy móc vào thay sức người theo phương châm xã hội hóa: Làm đất, phun thuốc BVTV, vận chuyển, tuốt đập lúa, bơm nước tưới tiêu… nhờ đó năng suất và sản lượng lúa tăng cao; hiệu quả lao động của người nông dân được cải thiện. Đối với khâu gieo cấy, cùng với việc tăng cường các trạm bơm, máy bơm, hệ thống kênh mương thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, hợp lý… đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương áp dụng biện pháp kỹ thuật này và đến năm 2018, diện tích lúa gieo thẳng trên địa bàn tỉnh ở vụ đông xuân đạt 17.028 ha, chiếm 42% tổng diện tích lúa gieo cấy; vụ mùa có 18.172 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích lúa gieo cấy. Đây có thể coi là giải pháp kỹ thuật trước mắt nhằm "cơ giới hóa" khâu sản xuất này. Thực tiễn cũng đã có nhiều mô hình trình diễn về máy cấy được triển khai trong các năm qua trên đồng ruộng tỉnh nhà; tuy nhiên, do đòi hỏi khắt khe, phức tạp về quy trình, nhất là khâu gieo mạ nên khó được các địa phương tiếp nhận để mở rộng ra đại trà.
Việc thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cũng tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất lúa gạo tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa mà Ninh Bình đang hướng đến, qua đó từng bước tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và bền vững.
Đinh Chúc