Để có được kết quả này, cùng với sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp thông qua các chính sách hỗ trợ, ngành Bảo hiểm xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm tổ chức thực hiện tốt các chính sách về BHXH, BHYT. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được toàn ngành xác định là khâu then chốt để các chính sách về BHXH, BHYT đến được nhanh chóng với người dân, tạo thuận lợi cho nhu cầu giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Hiện nay, BHXH tỉnh đang quản lý gần 600.000 người tham gia BHYT, trên 73.000 người tham gia BHXH bắt buộc, gần 2.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 63.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, quản lý trên 55.000 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Với khối lượng công việc lớn và nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách, ngành BHXH tỉnh đã xác định phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Từ năm 2009, BHXH tỉnh đã thành lập bộ phận "một cửa liên thông".
Theo đó, các thủ tục, quy trình giải quyết công việc được đổi mới theo hướng rút gọn về thời gian, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Đối với các hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí, trước đây thời gian giải quyết từ 30-40 ngày, nay giảm xuống còn 15-20 ngày; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ tử tuất giảm thời gian giải quyết từ 20-30 ngày xuống còn 10-15 ngày. Việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đảm bảo đúng thủ tục, trình tự, thời gian và quyền lợi của người tham gia…
Cùng với việc thực hiện và chấp hành đúng các quy định về quy trình, thủ tục giải quyết công việc tại bộ phận "Một cửa", đội ngũ cán bộ, công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ còn tích cực hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến giao dịch các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT cho hàng nghìn lượt đối tượng. Đặc biệt, để nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện việc "tiếp nhận và trả kết quả", lãnh đạo BHXH tỉnh còn yêu cầu Phòng Tiếp nhận và quản lý hồ sơ định kỳ hàng tuần phải báo cáo kết quả tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị, đối tượng giao dịch để kiểm tra xem những hồ sơ chưa giải quyết do nguyên nhân nào. Nếu hồ sơ tồn đọng thuộc lĩnh vực đồng chí Phó Giám đốc nào phụ trách, phải tiến hành giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Đến tháng 4-2012, tất cả các cơ quan thuộc hệ thống BHXH tỉnh đều thành lập bộ phận "Tiếp nhận và trả kết quả", hoạt động theo cơ chế "Một cửa". Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận "Một cửa" đều được các đơn vị quan tâm bố trí những cán bộ có trình độ chuyên môn vững, có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng giao tiếp tốt. Từ BHXH tỉnh đến BHXH các huyện, thành phố, thị xã, bộ phận "Một cửa" đều được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, các quy trình, thủ tục giải quyết được niêm yết công khai, có chỗ ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch…
Đồng chí Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết thêm: Kể từ khi toàn ngành BHXH Ninh Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông", cùng với việc tạo thuận lợi cho nhu cầu giao dịch của tổ chức, cá nhân, chức năng, nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ, các bộ phận nghiệp vụ được xác lập rõ ràng, tự giám sát, đôn đốc nhau trong giải quyết các thủ tục hồ sơ về BHXH, BHYT đảm bảo công khai, minh bạch và đúng hạn. Các trường hợp từ chối giải quyết đều có phiếu chuyển trả ghi rõ lý do.
Do đó đã hạn chế việc để tồn đọng hồ sơ lâu mà không có lý do cụ thể hoặc trả hồ sơ không giải quyết với lý do không cụ thể, tùy tiện yêu cầu thêm các thủ tục hành chính ngoài quy định… Bên cạnh đó, công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ đảm nhiệm công việc tại bộ phận "Tiếp nhận và trả kết quả" được lãnh đạo BHXH tỉnh quan tâm chỉ đạo và thực hiện thường xuyên đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành.
Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, BHXH tỉnh còn quan tâm cải cách tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các khâu nghiệp vụ. Hiện nay, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả các chương trình, phần mềm ứng dụng của BHXH Việt Nam như: phần mềm quản lý thu, cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, xét duyệt các chế độ BHXH, tiếp nhận hồ sơ…
Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo ra phương thức làm việc hiện đại đối với đội ngũ cán bộ, viên chức ngành BHXH tỉnh. Đến nay, BHXH tỉnh đã áp dụng 64 quy trình giải quyết thủ tục hành chính về chính sách BHXH, BHYT, 33 quy trình nội bộ áp dụng tại các phòng nghiệp vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn ngành đã tiếp nhận và thực hiện hơn 14.000 hồ sơ thuộc các lĩnh vực giải quyết chế độ, chính sách; công tác thu BHXH, BHYT, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đảm bảo đúng thủ tục, trình tự, thời gian và quyền lợi của người tham gia.
Bài, ảnh: Bùi Diệu