Người lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua. 67 năm qua, lời dạy bảo của Bác về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Cùng với cả nước, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, nhân dân Ninh Bình luôn ghi nhớ và khắc sâu lời Bác Hồ dạy. Tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu vào quần chúng, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành bám sát thực tế, cụ thể hóa những chủ trương, biện pháp tích cực để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 21-TT/TU ngày 4-8-2014 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, qua đó tỉnh đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua theo các chủ đề phong phú, thiết thực và rộng khắp trong toàn tỉnh, tạo khí thế sôi nổi trong quần chúng nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, công chức. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng, phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng tới tất cả các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân . Công tác khen thưởng được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật, đã kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn một số hạn chế: Việc tổ chức các phong trào thi đua có lúc, có việc còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chưa liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc khen thưởng còn thiếu kịp thời, tính giáo dục và nêu gương trong khen thưởng chưa cao, khen thưởng cho những người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập chưa nhiều…
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, các văn bản pháp luật về thi đua khen thưởng, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua.
Nội dung thi đua phải tập trung vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của địa phương mình, đồng thời phải hướng tới giải quyết có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở. Mục tiêu của các phong trào thi đua phải cụ thể, rõ ràng, sát với thực tế. Hình thức thi đua phải đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi để mọi người dễ hiểu, dễ theo dõi, dễ tham gia. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả từng phong trào thi đua, từ đó rút ra những cách làm hay, kinh nghiệm tốt để nhân rộng các điển hình tiên tiến, bảo đảm sự phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Minh Châu