Theo cô giáo Phan Thị Sơn, Chủ tịch CĐCS Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, hàng năm, các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành Giáo dục được nhà trường triển khai thực hiện hiệu quả. Nổi bật là các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, điểm nhấn về truyền thống vẻ vang của nhà trường, các tấm gương thầy cô, cựu học sinh học giỏi, thành đạt, từ đó khơi dậy trong mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh niềm tự hào khi được công tác học tập tại trường. Đặc biệt, thực hiện tốt phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", các tổ nhóm chuyên môn tích cực trao đổi chương trình giảng dạy, tổ chức hội thảo chuyên đề liên trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giáo án điện tử và đổi mới cách đánh giá, kiểm tra. Cùng với đó, thực hiện tốt phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và môi trường giáo dục tốt cho thầy cô và các em học sinh nỗ lực học tập, rèn luyện…
Hiệu quả từ các phong trào thi đua cho thấy, chất lượng giáo dục văn hóa và hạnh kiểm được giữ vững, với 100% học sinh đạt hạnh kiểm khá, giỏi; tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm 99-100%. Năm học 2015-2016, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy được tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; Cờ nhất toàn đoàn Hội thi giáo viên giỏi cấp THPT tỉnh lần thứ 6; Cờ nhì toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng tỉnh cấp THPT... Toàn trường có 14 thầy, cô giáo được tặng Bằng khen của UBND tỉnh; 19 giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo và hàng chục giải thưởng khác khi tham gia các kỳ thi, cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Ninh Bình và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức…
Đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Ninh Bình cho biết: Ngay từ năm học 2007-2008, Công đoàn ngành và Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đến các cấp quản lý giáo dục toàn ngành một cách nghiêm túc, đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đây là cuộc vận động cụ thể hóa của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Từ đó, cuộc vận động đã đi vào đời sống giáo dục, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và lao động, từng bước nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều sáng tạo trong công tác và giảng dạy của giáo viên. Đặc biệt, nhân dịp các ngày truyền thống của ngành và ngày lễ lớn của dân tộc, các cơ sở giáo dục đã kịp thời tổ chức biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm tôn vinh nghề dạy học.
Phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt", khuyến khích cán bộ, giáo viên nghiên cứu khoa học, làm việc sáng tạo, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ được đẩy mạnh trong các nhà trường, được xác định là nhiệm vụ thiết thực phục vụ cho giảng dạy và giáo dục học sinh. Điểm nhấn của phong trào chính là các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với đội ngũ giáo viên, các hội thi giáo viên dạy giỏi, thi thiết kế bài giảng, thi làm đồ dùng dạy học, thi dạy học tích hợp… không chỉ là dịp để trau dồi kỹ năng, trao đổi và học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là cơ hội để mỗi thầy giáo, cô giáo tự hoàn thiện bản thân. Đối với các em học sinh, ngày càng có nhiều sân chơi bổ ích, trí tuệ giúp các em phát huy sở trường, học hỏi kiến thức, rèn luyện kỷ luật… như thi học sinh giỏi các cấp, hội thi thí nghiệm - thực hành, ngày hội đọc sách, sử dụng ngoại ngữ, ngày hội công nghệ thông tin…
Từ phong trào này, việc thực dạy - thực học đã được triển khai đến từng giáo viên, từng học sinh, tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới quản lý giáo dục cũng như đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với đó, hầu hết sáng kiến kinh nghiệm được nghiên cứu và rút ra từ những hoạt động thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn, tổ chức các hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua, thể hiện tâm huyết của mỗi thầy, cô giáo. Năm 2015, toàn ngành có 31 sáng kiến cấp tỉnh; năm 2016, Sở đã thẩm định trên 600 sáng kiến, chấm trên 200 sáng kiến đạt loại giỏi, lựa chọn 15 sáng kiến đề nghị Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định, công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" cũng đã mang lại nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy, học tập cho các nhà trường. Hàng năm, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế, các nhà trường lựa chọn 1 trong 5 nội dung của phong trào để tập trung thực hiện có chiều sâu. Nhờ đó, cảnh quan môi trường vật chất và môi trường tinh thần trong các cơ sở giáo dục có chuyển biến tích cực, trường học an toàn, sạch sẽ, phù hợp với học sinh. Công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống được chú trọng thông qua các hoạt động ngoại khóa, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh qua việc lồng ghép nội dung các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động ngoại khóa; duy trì các trò chơi dân gian, chăm sóc di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ, giúp các em tự tin, tự chủ trong học tập, rèn luyện, giao tiếp ứng xử và sinh hoạt hàng ngày. Năm học 2015-2016 có thêm 17 đơn vị đạt danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", nâng tổng số trường đạt danh hiệu này lên 413/477 đơn vị, chiếm 86,6%; trong đó đạt loại xuất sắc là 297 đơn vị, chiếm 62,3%.
Kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh. Trong năm học 2015-2016, đã kiểm tra công nhận thêm 19 trường học đạt chuẩn Quốc gia các mức độ; nâng tổng số trường học đạt chuẩn Quốc gia toàn tỉnh lên 383 trường, chiếm gần 82%. Đã có 93/145 xã, phường, thị trấn và 2 thành phố (Ninh Bình và Tam Điệp) có trường mầm non, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Toàn ngành có 99,9% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo; trong đó đạt trên chuẩn chiếm trên 82%. Số học sinh đạt học lực khá - giỏi, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia tăng dần qua từng năm. Năm 2016, Ninh Bình xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố có điểm trung bình của tất cả các môn thi dự xét tuyển sinh đại học đạt từ 15 điểm trở lên. Nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa; giải toán trên máy tính cầm tay; cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia, quốc tế; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc… Giáo dục Ninh Bình tiếp tục khẳng định vị thế trong tốp các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục cao của cả nước.
Mỹ Hạnh