Thế nhưng, làm thế nào để các khoản thu đầu năm học không bị méo mó, biến tướng thành lạm thu, không tạo áp lực cho các phụ huynh lại là câu chuyện được nói nhiều vào mỗi đầu năm học, đòi hỏi ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định về xã hội hóa trong giáo dục.
Để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục thực hiện những khoản thu không đúng quy định, ngày 10/8/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 862 về việc hướng dẫn thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản thu trong trường học, nhằm chấn chỉnh công tác thu, chi, nhất là tình trạng lạm thu các khoản đóng góp xã hội hóa, các khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, tạo sự công bằng trong hoạt động của các nhà trường và phụ huynh học sinh.
Theo đó, Công văn nêu rõ các khoản thu theo quy định của tỉnh đối với mức học phí học tập, trong đó phân rõ khu vực nông thôn, thành thị, khu vực miền núi, các xã bãi ngang đặc biệt khó khăn. Mức học phí học nghề phổ thông, các khoản thu dạy thêm, học thêm trong nhà trường ở tất cả các cấp học và các khoản thu khác như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, quỹ Đoàn, Đội, các khoản thu phục vụ học sinh như quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu học sinh…
Qua tìm hiểu và trao đổi với một số phụ huynh học sinh và Ban Giám hiệu một số trường học, được biết, năm học này, các nhà trường đã và sẽ thu các khoản bắt buộc như: Học phí, BHYT, học nghề phổ thông, tiền dạy thêm học thêm tại trường, học phí các môn tự chọn, quỹ Đoàn, Đội, đồng phục, quần áo TDTT, phù hiệu học sinh… và các khoản đóng góp theo thỏa thuận, tự nguyện giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, điện sáng, nước uống, quỹ lớp, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, bảo vệ, vệ sinh...
Hiện đã khai giảng năm học mới, học sinh bắt đầu vào học theo chương trình chính khóa. Tại các cơ sở giáo dục, một số khoản thu bắt buộc và tự nguyện cũng đã được tiến hành thu bước đầu nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, như tiền học phí, ăn bán trú, đồng phục, vệ sinh, BHYT, sách vở, phù hiệu, quỹ Đoàn, Đội…, còn lại nhiều khoản phí khác phải chờ vào các buổi họp phụ huynh đầu năm học, hoặc nhà trường đang tính toán, xem xét các khoản thu tự nguyện như thế nào cho hợp lý để đảm bảo phù hợp với thực tế dạy và học tại trường, đồng thời nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh.
Thực tế cho thấy, để hạn chế thu các khoản đóng góp tự nguyện thì chính Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phải tham gia tích cực vào công tác giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, chăm lo, tìm hiểu, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cùng Ban Giám hiệu nhà trường thống nhất các khoản thu hợp lý, đúng quy định, phù hợp với điều kiện, khả năng chi trả chung của phụ huynh toàn trường.
Đối với những khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân (đối với học sinh bán trú), tiền điện, nước uống, vệ sinh… nhà trường phải xây dựng kế hoạch công việc, lập dự toán thu, chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù đắp các chi phí và phải thỏa thuận, thống nhất với cha mẹ học sinh về chủ trương, mức thu, nội dung chi (bằng văn bản) tại các cuộc họp với cha mẹ học sinh. Chỉ thực hiện các khoản thu này khi đã được sự đồng thuận, nhất trí của cha mẹ học sinh. Các khoản thu, chi này phải quyết toán minh bạch và thông báo công khai với cha mẹ học sinh.
Đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Kinh phí hoạt động được lấy từ nguồn đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh thì không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để tiếp tục chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu, chi trong trường học, ngày 5/9, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn số 981 về việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các khoản thu, chi trong trường học. Theo đó, Sở thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra tại các cơ sở giáo dục từ ngày 7/9-31/10. Trong đó tập trung vào việc thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách nhà nước cấp (tài trợ, xã hội hóa, thỏa thuận…) trong các nhà trường từ 1/8/2018 đến thời điểm thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó báo cáo việc thực hiện các khoản thu, chi của đơn vị trong năm học 2017-2018, các khoản đã thu, chi (hoặc dự kiến) trong năm học 2018-2019 để Đoàn thanh, kiểm tra nắm bắt, xem xét.
Có thể nói, các khoản thu vào đầu mỗi năm học không chỉ là gánh nặng tài chính cho các gia đình, nhất là những gia đình ở vùng nông thôn, còn khó khăn, có nhiều con đang đi học, mà còn gây bức xúc, tạo dư luận xã hội không tốt, bởi các phụ huynh buộc phải đóng góp trên tinh thần tự nguyện mà không dám ý kiến, hoặc có ý kiến cũng không được chấp nhận vì đã được Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất, thông qua. Để chống lạm thu, trên hết vẫn là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, cần thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong các khoản thu tự nguyện, từ đó mới tạo được niềm tin, trách nhiệm và sự ủng hộ, tham gia tự nguyện của mỗi phụ huynh học sinh.
Cùng với đó, rất cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những cá nhân, cơ sở giáo dục vi phạm. Hơn thế nữa, các bậc phụ huynh cũng cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng lạm thu, không đóng góp các khoản thu ngoài quy định, từ đó mới có thể tạo ra môi trường học tập dân chủ, công khai, minh bạch trong thu, chi ở các trường học.
Hạnh Chi