Sự phục hồi mạnh mẽ Nhìn lại bức tranh sản xuất công nghiệp quý I/2016 cho thấy, tổng giá trị sản xuất quý I toàn tỉnh ước đạt 7.309,6 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp giá trị giảm sút lớn là: Phân đạm đạt 97,8 nghìn tấn, giảm 14,7%; phân lân nung chảy đạt 36,1 nghìn tấn, giảm 4,0%; linh kiện điện tử đạt 2.548,2 nghìn cái, giảm 13,8%; modul camera đạt 6.508,4 nghìn cái, giảm 50,2%; ô tô con đạt 525 chiếc, giảm 13,4%; cần gạt nước ô tô đạt 1.261,2 nghìn cái, giảm 62,3%; gạch xây bằng đất nung đạt 64,4 triệu viên, giảm 9%...
Nhìn nhận lại hoạt động sản xuất lĩnh vực công nghiệp của tỉnh trong quý I năm 2016, đại diện Sở Công thương đánh giá: Trong quý I/2016, hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số lĩnh vực gặp khó khăn dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị sản xuất lớn trong quý gặp sự cố kỹ thuật sản xuất, khó khăn trong khâu tiêu thụ như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình dừng sản xuất 1 tháng (từ 6/2 đến 5/3/2016) do sự cố kỹ thuật, bên cạnh đó giá bán đạm urê phải cạnh tranh với phân đạm nhập khẩu, nên cũng ảnh hưởng tới sản xuất và doanh thu tiêu thụ. Công ty TNHH MCNEX Vina có sản lượng giảm 56,4%, doanh thu giảm 38,0%...
Do đó chỉ số phát triển công nghiệp toàn tỉnh giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 3,91%; công nghiệp chế biến giảm 3,23%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 8,77%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,77%.
Nếu như quý I năm 2016, ngành công nghiệp Ninh Bình đang chật vật với sự sụt giảm của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực thì bước sang năm 2017, với sự vào cuộc hỗ trợ đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước trong tỉnh, sự phục hồi của nền kinh tế và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn ngay từ những ngày đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý I đã đạt trên 9.768 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: công nghiệp chế biến đạt trên 9.468 tỷ đồng, tăng 29,2%, công nghiệp sản xuất phân phối điện đạt 205,9 tỷ đồng, tăng 21,5%, công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 36,5 tỷ đồng, tăng 6%.
Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016 như: Phân đạm đạt 93,7 nghìn tấn, tăng 76,8%; linh kiện điện tử đạt 55,1 triệu cái, tăng 20,8%; modul camera đạt 17,1 triệu sản phẩm, tăng gấp 3,6 lần; kính máy ảnh đạt 953,7 nghìn cái, tăng 14,1%; xe ô tô 5-14 chỗ ngồi đạt 3.923 chiếc, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng theo đánh giá của Sở Công thương là do từ đầu năm đến nay một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh đã có sự phục hồi trở lại như: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình sau thời gian ngừng sản xuất đã hoạt động trở lại và bắt đầu có sản phẩm mới từ những ngày đầu năm 2017.
Ước tính sản lượng sản xuất trong quý đạt 93,7 nghìn tấn, tăng 76,8% so với cùng kỳ; Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công ước đạt 3.823 xe, tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ; Công ty TNHH Mcnex Vina đạt trên 17,1 triệu sản phẩm, tăng gấp 3,6 lần... Sự tăng trưởng trong sản xuất của các công ty này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh trong quý I năm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có mức tăng trưởng khá thì một số sản phẩm có mức sản xuất sụt giảm là: đá khai thác đạt 867,5 nghìn m3, giảm 11,6%; quần áo các loại đạt 10,6 triệu cái, giảm 14,6%; găng tay đạt gần 3 triệu cái, giảm 35,8%; giày dép vải đạt trên 4.084 nghìn đôi, giảm 19,2%; xi măng và clanhke đạt 2.450 nghìn tấn, giảm 14,3%; thép các loại đạt 60,8 nghìn tấn, giảm 6%...
Như vậy, có thể thấy những mặt hàng có sự sụt giảm tập trung vào nhóm hàng may mặc và khai thác mỏ. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp nên không ảnh hưởng lớn đến chỉ số phát triển công nghiệp toàn ngành.
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng
Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với những chính sách quan tâm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Ninh Bình có nhiều thuận lợi trong thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.
Tuy vậy, tỉnh ta vẫn không tránh khỏi một số khó khăn do sự cạnh tranh của các tỉnh trong khu vực đối với hoạt động phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Trong những năm gần đây, hạ tầng cụm công nghiệp đã được tỉnh quan tâm đầu tư, song chưa đáp ứng được nhu cầu, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế.
Thêm vào đó là sự cạnh tranh khu vực kinh tế trong nước của tỉnh còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Đại diện Sở Công thương cho biết: Trước thực tế đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường nắm bắt theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; rà soát xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư đối với các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiêp hỗ trợ.
Đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực linh kiện phụ tùng ngành công nghiệp điện tử, sản xuất ô tô; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao…
Bên cạnh việc phát huy những giải pháp hiệu quả đã có, Sở Công thương tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh và Bộ Công thương xây dựng cơ chế, chính sách để phục vụ xúc tiến thương mại cho từng sản phẩm, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho các sản phẩm địa phương; triển khai các hoạt động khuyến công - tư vấn phát triển công nghiệp, tiết kiệm năng lượng theo kế hoạch đã được duyệt; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát chấp hành luật pháp, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; gắn sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường.
Với những giải pháp hữu hiệu từ phía cơ quan Nhà nước và sự vào cuộc chủ động, tích cực của các doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng vào mục tiêu phấn đấu của ngành công nghiệp trong năm 2017 sẽ đạt kế hoạch đề ra: giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 36.915 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016.
Nguyễn Thơm