Xác định được vai trò và tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tạo bước đột phá chuyển đổi nền sản xuất nhỏ lẻ lên phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, từng bước hiện đại và xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã tập trung ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ vào từng lĩnh vực khác nhau theo tinh thần của Nghị quyết.
Về nông nghiệp, trên cơ sở các nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà khoa học công nghệ có thể hỗ trợ trực tiếp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã định hướng cho các đơn vị, địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về Quy hoạch phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn; xây dựng Chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn; trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi- thú y; thủy sản; lâm nghiệp; bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch; thủy lợi....
Kết quả nhiều đề tài, dự án đã có tác động tích cực đến sự phát triển nền nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được áp dụng kịp thời, phù hợp góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi tăng năng suất chất lượng nông, lâm, thủy sản. Việc áp dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên một đơn vị diện tích.
Thực hiện các dự án thuộc Chương trình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, tỉnh ta đã tiếp nhận và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá Bớp, ương cá Mú chấm nâu giai đoạn hương lên giống và công nghệ nuôi thương phẩm cá bớp, cá mú chấm nâu tại xã Kim Đông- Kim Sơn; xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ nuôi bê đực lấy thịt chất lượng cao tại huyện Nho Quan; tiếp nhận và ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi cá Đối mục tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi hươu sao sinh sản, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền núi xã Cúc Phương, huyện Nho Quan…Những công trình được lựa chọn chuyển giao đã được áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn so với công nghệ hiện có ở địa phương, giúp địa phương tiếp nhận và làm chủ công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ gồm: dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm (dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao); dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của địa phương (rượu của huyện Kim Sơn; hoa đào phai của thị xã Tam Điệp)...
Việc triển khai thực hiện các dự án Sở hữu trí tuệ đã góp phần nâng cao nhận thức sâu rộng của các tổ chức, cá nhân về tạo lập quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy phát triển thương hiệu sản phẩm, duy trì danh tiếng và uy tín cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong tỉnh.
Tỉnh ta cũng đã tập trung vào triển khai lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn; Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống ấm no, văn minh, sạch đẹp, gắn với việc hình thành các khu dân cư đô thị hóa. Đồng thời các đề tài khoa học công nghệ cũng tập trung đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu về công tác dân vận của Đảng trong công tác tham mưu, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông thôn, tỉnh ta đã ban hành các chính sách, hỗ trợ kinh phí đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012 đến nay đã phối hợp với các đơn vị cung ứng kịp thời, bàn giao 14 máy trộn bê tông; 7 máy gặt đập liên hoàn, 13 máy làm đất cho các xã nông thôn mới, hỗ trợ lò sấy bảo quản nông sản sau thu hoạch.. với tổng kinh phí 3.520 triệu đồng.
Về nông dân, khoa học công nghệ tập trung đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và phổ biến kiến thức cho nông dân. Hàng năm các cấp, các ngành luôn coi trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tích cực truyên tuyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, tham gia phát triển cây trồng, vật nuôi.
Từ năm 2008 đến nay, đã tập trung dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có trên 20 cơ sở dạy nghề, đã đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, hàng năm tổ chức dạy ngề cho trên 17.000 người (trong đó lao động nông thôn khoảng 10.000 người). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 75%.
Với vai trò của mình, khoa học công nghệ đã để lại dấu ấn rõ nét bằng những kết quả, thành tựu đã đạt được trong việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy mạnh sản xuất,... phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Bài, ảnh: Hồng Giang