Đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết: Kim Tân là một xã thuộc tiểu khu IV, nằm ở phía Đông Nam của huyện Kim Sơn. Năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kim Tân đối mặt với nhiều khó khăn, đó là: nền kinh tế phát triển chậm, phần lớn nhân dân trong xã sản xuất theo hướng truyền thống, diện tích đất sản xuất của các hộ gia đình manh mún, xã chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung; dịch vụ thương mại và kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ xã đã bàn bạc, thảo luận và xác định: Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị cho đến từng người dân. Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, BCH Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết về "Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới". Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết và căn cứ vào 5 nhóm chính của 19 tiêu chí, 39 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng tổ chức trong hệ thống chính trị.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM ở Kim Tân là xây dựng nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo ổn định và năm sau cao hơn năm trước. Với tinh thần đó, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong sản xuất nông nghiệp, căn cứ các lợi thế về tài nguyên đất đai, điều kiện khí hậu xã đã quy hoạch thành 3 vùng trồng lúa: Vùng trồng lúa chất lượng cao (diện tích 155,48 ha), vùng trồng lúa cao sản (208,52 ha), vùng trồng lúa xen canh và lúa khác (37,02 ha). Để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, xã thực hiện vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa để đưa cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm chi phí.
Mô hình trồng hoa huệ của người dân xã Kim Tân mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Trường Giang
Trong phát triển chăn nuôi, Kim Tân đã quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích người dân đầu tư vào các vùng đã được quy hoạch, đồng thời tăng cường các biện pháp hướng dẫn người dân ứng dụng KHKT về giống, xử lý chất thải bằng công nghệ Biogas… Mạng lưới thú y cũng thường xuyên được củng cố và nâng dần về chất lượng, góp phần bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn cho chăn nuôi. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, Kim Tân còn đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài nuôi thả các loài cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép... còn đưa vào nuôi thả các con nuôi có giá trị cao như tôm càng xanh, cá diêu hồng... Các diện tích mặt nước như kênh mương, ruộng trũng cũng được người dân tận dụng để phát triển các mô hình luân canh, xen canh lúa -cá.
Cùng với chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, trong nhiều năm qua, Kim Tân đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách kích cầu cho nhân dân yên tâm sản xuất, nhằm phát huy nội lực, thu hút ngoại lực. Nhiều gia đình đã mở rộng nghề phụ, đầu tư vào nhiều lĩnh vực vận tải, máy cẩu, máy xúc, gia công chế biến gỗ..., đáp ứng nhu cầu và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ước tính, đến nay, doanh thu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của toàn xã đã đạt gần 7 tỷ đồng, dịch vụ và thương nghiệp ước đạt trên 8 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng NTM, Đảng bộ Kim Tân cũng đặc biệt coi trọng xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì phát triển, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nếp sống văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là duy trì nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Được sự hỗ trợ xi măng của cấp trên, nguồn ngân sách địa phương kết hợp với sự đóng góp của nhân dân, 5 năm qua, xã đã làm được hơn 4km đường giao thông thôn, xóm, góp phần tạo thuận tiện cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế-xã hội.
Nói về sự thành công trong việc đưa nghị quyết của Đảng bộ vào thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Tăng cho rằng trước tiên, nghị quyết phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo. Đảng bộ xã Kim Tân đã vận dụng linh hoạt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để đề ra nghị quyết lãnh đạo sát với tình hình cụ thể của địa phương, hợp với lòng dân. "Đã có nhiều bài học, nhiều dẫn chứng sinh động cho thấy, nếu huy động được sức mạnh tập thể, tìm được tiếng nói đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân thì không khó khăn nào là không thể vượt qua. Bởi vậy, làm tốt công tác dân chủ ở cơ sở, thực hiện nghiêm túc chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", coi lợi ích của nhân dân làm trọng là cơ sở để đạt được những thành quả bền vững. Trong thời gian tới, Kim Tân tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh"- Đồng chí Nguyễn Văn Tăng khẳng định.
Mai Lan