Đảng bộ xã Gia Thủy xác định phát triển làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí về kinh tế trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Do vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng chương trình toàn khóa phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống của địa phương và tổ chức quán triệt trong toàn Đảng bộ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân về nhiệm vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt là phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Để thực hiện chương trình toàn khóa, Đảng ủy giao cho UBND xã khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là làng nghề truyền thống của địa phương. Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn xã hiện còn duy trì một số nghề truyền thống chủ yếu đó là: nghề làm bánh bún, bánh tráng, mộc, nề, mây tre đan, thêu ren, gốm. Song thực tế cho thấy, các nghề truyền thống của địa phương phát triển cầm chừng và đứng trước nguy cơ mai một.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã Gia Thủy: Nguyên nhân tình trạng yếu kém của các làng nghề trong những năm gần đây là sản xuất tiểu thủ công nghiệp- làng nghề của xã chưa có quy hoạch tập trung, quy mô còn quá nhỏ và phân tán. Chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường. Hình thức sản xuất đơn giản, bộ máy quản lý cồng kềnh, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Công tác tiếp thị, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế.
Để khắc phục tình trạng này, xã đã xây dựng quy hoạch khu vực làng nghề tiểu thủ công nghiệp chung của xã với diện tích 3 ha và đã được UBND huyện Nho Quan phê duyệt. Với quan điểm khó khăn cùng khắc phục để khuyến khích các cơ sở sản xuất chuyển ra vùng quy hoạch tập trung, xã hỗ trợ toàn bộ mặt bằng, từ giải phóng mặt bằng đến san lấp đủ điều kiện xây dựng cơ sở sản xuất mới. Đi đầu trong việc thay đổi tập quán, thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình sản xuất tập trung là Hợp tác xã gốm thôn Mỹ Lộc. Được biết, HTX gốm đã được xây dựng từ năm 1967, địa điểm tại thôn Mỹ Lộc, với diện tích là 2.600m2, nằm ngay trung tâm xã. Hình thức sản xuất theo tổ, nhóm. Ban quản trị HTX hoạt động hình thức, hệ thống xử lý chất thải không có, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân, gây nên bức xúc trong nhân dân. Nếu không được củng cố, quy hoạch lại hệ lụy tiếp theo đó là phá sản, mất nghề.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng HTX gốm, Ban Chấp hành Đảng bộ xã có nghị quyết chuyên đề về việc chuyển khu sản xuất gốm ra vùng quy hoạch làng nghề tiểu thủ công nghiệp của xã. Giao cho UBND xã chỉ đạo HTX gốm xây dựng dự án và tổ chức họp với cán bộ, xã viên HTX gốm để thống nhất quan điểm phát triển làng nghề truyền thống. Sau nhiều lần tổ chức hội nghị để tuyên truyền triển khai dự án, cán bộ và xã viên HTX gốm đã nhất trí di chuyển khu sản xuất gốm ra khu làng nghề và quyết tâm triển khai thực hiện dự án.
Sau 2 năm tập trung chỉ đạo quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đầu tháng 12-2012, cơ sở sản xuất gốm tại địa điểm quy hoạch làng nghề với diện tích xây dựng gần 0,6ha, tổng kinh phí là 5,2 tỷ đồng. Trong đó UBND xã đầu tư 1,6 tỷ đồng và xã viên HTX đóng góp 3,6 tỷ đồng đã cơ bản xây dựng xong và bắt đầu đi vào hoạt động. Cơ sở đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động và gần 30 lao động thời vụ, đưa sản phẩm vào thị trường từ đầu năm 2013. Đến nay, HTX gốm Gia Thủy không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mức doanh thu tăng qua các năm, từ 2,5 tỷ đồng năm 2011, tăng lên 6 tỷ đồng năm 2014. 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu ước đạt 3,8 tỷ đồng.
Về với HTX gốm Gia Thủy hôm nay, có thể khẳng định Nghị quyết xây dựng cụm làng nghề và phát triển làng nghề truyền thống ở xã Gia Thủy là Nghị quyết đúng đắn, hợp lòng dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phát huy kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển làng nghề gốm, các ngành nghề truyền thống khác ở Gia Thủy như nghề bánh bún, may mặc, mây tre đan, thêu ren, nghề nề, mộc… đang tiếp tục được củng cố và phát triển ổn định. Đặc biệt, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp Minh Phúc, đến nay Xí nghiệp may Minh Phúc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 0,5ha, với kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất gần 20 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Thu hút, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động của xã và các xã lân cận, doanh thu đạt 18 tỷ đồng/năm.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Thủy, bộ mặt nông thôn mới ở đây đang từng bước được cải thiện, đời sống nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Nhiều ngành nghề truyền thống được phục hồi và phát triển, đặc biệt là sản phẩm gốm Gia Thủy đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản. Qua đó đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã Gia Thủy nói riêng và huyện Nho Quan nói chung.
Phúc Nguyên