Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Đảng ủy Viện KSND tỉnh thường xuyên quán triệt các văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát như: Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị (khóa X); Quyết định số 46 ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)...
Để việc quán triệt đạt hiệu quả cao, Đảng ủy đã có nhiều hình thức linh hoạt, trước hết là các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy phải thấm nhuần quan điểm, định hướng chỉ đạo theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; xác định công tác kiểm tra là một nội dung quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng. UBKT Đảng ủy phải làm tốt chức năng tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.
Thực tiễn kinh nghiệm ở Đảng bộ Viện KSND tỉnh cho thấy, để các chi bộ trực thuộc, cán bộ, đảng viên nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng thì Thường trực Đảng ủy và UBKT Đảng ủy phải là hạt nhân để truyền đạt và lan tỏa các quy định, chủ trương của Đảng đến các đồng chí trong Đảng ủy, rồi đến các chi bộ. Những năm đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy tổ chức hội nghị cho toàn thể cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt các quy định mới của Trung ương.
Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy yêu cầu các chi bộ thường xuyên thực hiện các quy định về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong Đảng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm hoặc không để tái phạm. Với cách làm trên, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, hình thành ý thức tự giác chấp hành. Qua đó cũng giúp cho cấp ủy lãnh đạo, xây dựng UBKT cùng cấp đủ năng lực, phẩm chất, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Đảng bộ Viện KSND tỉnh có 9 chi bộ trực thuộc và hơn 50 đảng viên; UBKT Đảng ủy Viện KSND tỉnh có 3 đồng chí, trong đó đồng chí Chủ nhiệm UBKT là đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng tổng hợp là đồng chí Phó Chủ nhiệm và đồng chí Phó Chánh thanh tra là ủy viên. Trong những năm qua, mặc dù có nhiều biến động do có sự thay đổi công tác, song các đồng chí phụ trách công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy đều tích cực học tập, quán triệt, kịp thời bổ sung các quy định mới để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trong 10 năm (2008-2018), Đảng ủy Viện KSND tỉnh đã tổ chức 11 cuộc kiểm tra đối với 11 lượt chi bộ và 7 đảng viên; 6 cuộc giám sát đối với 6 chi bộ và 5 đảng viên. UBKT Đảng ủy đã tiến hành 19 cuộc kiểm tra đối với 19 lượt chi bộ và 11 đảng viên, 8 cuộc giám sát đối với 8 chi bộ và 8 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; việc chấp hành nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, chấp hành quy chế làm việc, chế độ công tác; việc thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, án tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận; việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Với phương châm "Giám sát phải mở rộng; kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm", các cuộc kiểm tra, giám sát đã thực hiện đúng quy định của Đảng về quy trình, nguyên tắc, phương pháp và thời gian, do vậy đã đem lại những kết quả tích cực. Tư tưởng, nhận thức và hành động của Đảng ủy và các bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể trong cơ quan có sự chuyển biến tích cực, qua đó, tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong đảng bộ đơn vị. Nhiều năm qua, Đảng bộ Viện KSND tỉnh chỉ có 1 đảng viên bị xử lý kỷ luật vì sinh con thứ ba. Các chi bộ và đảng viên, cán bộ công chức, người lao động đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, gương mẫu giữ gìn đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị, tận tâm, tận tụy vì công việc chung, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Một số hạn chế của các đơn vị đã được phát hiện, kết luận và khắc phục kịp thời; các đơn vị, cá nhân được kiểm tra, giám sát đã tổ chức thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát. Những hạn chế, khuyết điểm được rút kinh nghiệm ở những chi bộ được kiểm tra và không còn lặp lại ở các chi bộ khác, qua đó góp phần làm tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Thùy Phương