Đây là kết quả, là nỗ lực của Đảng bộ Như Hòa nhằm không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, đề ra những chủ trương, giải pháp tạo động lực để kinh tế phát triển đúng hướng, đem lại hiệu quả cao. Hàng năm, BCH Đảng bộ đều ra Nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp, phát triển TTCN và hoạt động dịch vụ. Nghị quyết được quán triệt đến cả hệ thống chính trị, đến từng chi bộ, đến cán bộ, đảng viên. Những vấn đề về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa ngành nghề vào thôn xóm, mở rộng các hoạt động dịch vụ được lãnh đạo xã cân nhắc, tính toán một cách thấu đáo, bảo đảm triển khai phải thực sự khả thi và hiệu quả.
Với tinh thần hướng về cơ sở, bám địa bàn, bám sản xuất, các đồng chí từ Thường trực Đảng ủy đến các đảng ủy viên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn được phân công phụ trách từng vấn đề cụ thể về trồng trọt, chăn nuôi, các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, về phát triển ngành nghề, về mở rộng các hoạt động dịch vụ. Những đồng chí được phân công phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy về lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời, các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy còn trực tiếp phụ trách cụm, các đồng chí đảng ủy viên phụ trách đến từng xóm.
Hàng tuần, Đảng ủy đều có buổi giao ban với Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, trưởng các đoàn thể và hàng tháng còn mở rộng đến bí thư chi bộ, trưởng xóm nhằm nắm bắt cụ thể tình hình sản xuất, đời sống và các hoạt động khác diễn ra trên địa bàn để kịp thời phát huy những việc làm tốt, đúng hướng, khắc phục những tồn tại, tiêu cực nảy sinh.
Trong chương trình hành động "Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", một trong những nội dung hàng đầu được Đảng bộ Như Hòa đặt ra là phải khắc phục sự trì trệ, yếu kém, tập trung huy động mọi nguồn lực, tiềm năng về đất đai, lao động, vốn, cơ sở hạ tầng, ngành nghề truyền thống, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đảng ủy cũng đã giao cho UBND xã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sát đến từng vụ sản xuất. Các chi bộ, trưởng xóm trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của xã đưa ra thảo luận trong chi bộ, mở hội nghị thôn xóm cho dân bàn, đến từng hộ sản xuất quán triệt và triển khai có hiệu quả.
Về sản xuất nông nghiệp, với trên 300 ha đất 2 lúa Như Hòa đã mạnh dạn đưa 70% diện tích vào cấy giống cao sản. Từ khâu làm mạ đến quy trình gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh đều áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nên năng suất, sản lượng đạt cao. Ngoài ra để giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, Đảng ủy còn giao cho Ban quản trị HTX nông nghiệp hoàn thiện các khâu dịch vụ, đặc biệt là việc làm đất, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lo điều tiết nước, tưới tiêu, bảo vệ đồng điền nhằm hạn chế tối đa những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến mùa vụ và thành quả lao động.
Năm 2008, Như Hòa đã đạt bình quân 120 tạ/ha, vượt 10 tạ/ha so với năm 2007. Tổng sản lượng lương thực đạt 3.400 tấn, vượt gần 300 tấn so với kế hoạch đề ra. Bình quân lương thực đầu người đã vượt ngưỡng 650 kg/năm. Ngoài phát triển mạnh rau màu ở vườn thổ, Như Hòa đã mạnh dạn đưa cây đậu tương vào đất 2 lúa. Bước đầu tuy mới gieo trồng gần 25 ha nhưng đã cho kết quả khá. Một số hộ gia đình đã đấu thầu những cánh đồng trũng, thùng đào, thùng đấu ven đê đưa vào làm một vụ lúa, một vụ cá. Một con số làm phấn chấn Đảng bộ và nhân dân ở đây, năm 2008 là năm đầu tiên Như Hòa đạt giá trị canh tác 50,17 triệu đồng/ha/năm.
Như Hòa còn đặc biệt coi trọng phát triển chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, trên cả hai mục tiêu đạt sản lượng và giá trị thương phẩm cao. Năm 2008, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 300 tấn, sản lượng gia cầm 50 tấn, cùng với đàn trâu bò thương phẩm và sản lượng cá nước ngọt đạt giá trị trên 5 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị thu từ nông nghiệp.
Sản xuất TTCN và dịch vụ có bước tăng trưởng khá. Hiện Như Hòa đã có hàng chục tổ hợp làm vệ tinh cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu cả trong và ngoài huyện, chủ yếu là chiếu thảm, hàng cói mẫu nhỏ, sản phẩm mỹ nghệ làm từ bèo tây, lúa non, nứa chắp đã giúp cho 1.200 lao động thường xuyên có việc làm, với thu nhập từ 350.000 đến 500.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra đã có trên 400 lao động làm mộc dân dụng, thợ xây dựng, vận tải, sửa chữa cơ khí, điện tử, điện lạnh, thợ may... Đây là những nghề lao động có thu nhập không dưới 1 triệu đồng/người/tháng.
Với lợi thế nằm ven đường 10, lại cách chợ huyện không xa, nên đã có trên 150 hộ tham gia vào các hoạt động dịch vụ như mở cửa hàng, cửa hiệu, chế biến bún bánh, giò chả, thu mua nông sản, thu hút trên 500 lao động tham gia. Đây là kết quả bước đầu khẳng định tính khả thi trong nghị quyết chuyên đề về phát triển TTCN- dịch vụ hàng năm của BCH Đảng bộ xã. Năm 2008, ước tính giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 45 tỷ đồng, thì TTCN- dịch vụ- xây dựng đã chiếm trên 25 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng cả năm của xã đạt gần 13%, bình quân thu nhập đầu người đạt 8 triệu 700 nghìn đồng, vượt 1,4 lần so với chỉ tiêu Đại hội đặt ra, Như Hòa cũng đã thực hiện thành công mỗi năm giảm 3% hộ nghèo, đưa số hộ nghèo xuống còn 9,17% và cơ bản xóa xong nhà tranh tre, vách đất trên địa bàn.
Đảng bộ Như Hòa luôn có những giải pháp tích cực tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều mô hình, phương thức làm ăn mới được mở ra. Hiện Như Hòa đã có 10 hộ làm kinh tế trang trại, 40 hộ làm kinh tế VAC, có hộ mỗi năm thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để nhân dân vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, số dư nợ trên địa bàn đạt 13 tỷ đồng, Như Hòa còn sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của Nhà nước, ngân sách của địa phương, sự đóng góp của nhân dân vào kiên cố hóa kênh mương, hoàn thiện các công trình thủy lợi phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.
Đức Trung