Khánh Công là xã thuần nông của huyện Yên Khánh, có diện tích đất canh tác khoảng 419 ha, với trên 6.500 nhân khẩu được phân bố ở 15 xóm. Những năm trước đây, người dân Khánh Công chủ yếu gieo trồng những cây trồng có giá trị kinh tế thấp và canh tác theo chu kỳ một năm hai vụ, phần diện tích trồng rau màu chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết bất lợi. Trong khi đó, nghề truyền thống tại địa phương không phát triển mạnh, lại cho giá trị thu nhập thấp nên tỷ lệ hộ nghèo trước kia của xã khá cao. Năm 2010, số hộ nghèo của xã chiếm tới hơn 20% số hộ, xã nằm trong 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh…
Thực hiện các Nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Huyện ủy Yên Khánh, đồng thời xác được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Khánh Công đã quyết tâm, đồng lòng đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, Khánh Công còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó tiến hành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, những bước đi, cách làm cụ thể như giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể, từng đảng viên trong xã tìm hiểu, khảo sát từng hộ nghèo, cận nghèo... để tìm ra nguyên nhân nghèo.
Do làm tốt công tác tìm hiểu, khảo sát, rà soát các hộ nghèo, cận nghèo nên chính quyền xã đã xác định được nguyên nhân chính việc những hộ này khó khăn trong việc thoát nghèo. Qua khảo sát, phần lớn các hộ nghèo là do thiếu vốn, tỷ lệ hộ được tiếp cận các nguồn vốn vay còn thấp, thiếu phương tiện, công cụ sản xuất, kiến thức KHKT, thiếu sự tư vấn để triển khai các dự án sản xuất, không biết cách làm hoặc trồng các loại cây, con cho hiệu quả, năng suất, một số hộ có người nhà bị bệnh hiểm nghèo, người già không lao động được...
Để việc giúp đỡ hộ nghèo một cách hiệu quả, Đảng bộ xã Khánh Công đã giao trách nhiệm đến từng chi bộ xóm, tổ chức tuyên truyền và phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ nghèo. Việc phân công được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, sở trường của mỗi đồng chí đảng viên. Điển hình như việc phân công giúp đỡ hộ nghèo Hoàng Văn Dân, xóm 10. Là Bí thư chi bộ xóm 10, đồng chí Lương Văn Lợi được phân công giúp đỡ gia đình ông Hoàng Văn Dân.
Để giúp hộ ông Dân thoát nghèo, đồng chí Lợi đã trăn trở tìm giải pháp phù hợp nhằm đem lại hiệu quả. Biết ông Dân là người chăm chỉ làm ăn, nhưng không may vào năm 2003 ông bị tai nạn lao động mất đi một tay, sức khỏe giảm sút, gia đình lại đông con cái, từ đó kinh tế gia đình đi xuống. Nắm được thực tế của gia đình ông Dân, đồng chí Lương Văn Lợi đã bàn với cấp ủy và các đoàn thể trong xóm, trong xã tạo điều kiện cho ông Dân vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội số tiền 30 triệu đồng để mua dê về nuôi, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn các kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn dê nhằm đem lại hiệu quả kinh tế. Với sự hỗ trợ cụ thể, sát sao và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay hộ gia đình ông Dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào thành tích chung của toàn Đảng bộ xã Khánh Công trong công tác giảm nghèo.
Cùng với việc tuyên truyền và phân công từng đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, Đảng bộ Khánh Công còn lãnh đạo, chỉ đạo tích cực việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, chăn nuôi. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Khánh Công đã thành công trong việc đưa cây dược liệu trạch tả, bạch chỉ vào trồng tại các khu vườn tạp ở mỗi gia đình.
Đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, xã còn đưa vào sản xuất những giống lúa hàng hóa cho giá trị cao và mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện dồn điền đổi thửa để đưa máy móc vào đồng ruộng. Nhờ đó mà giá trị canh tác trên đồng ruộng của bà con đã được tăng lên, qua đó góp phần không nhỏ vào giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.
Đồng chí Phạm Ngọc Quang, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để công tác xóa đói giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, nhận thức rõ vai trò quan trọng của các tổ chức, đoàn thể trong việc quan tâm, tạo điều kiện giúp hội viên thoát nghèo, Đảng bộ Khánh Công đã chỉ đạo các đoàn thể chủ động xây dựng các mô hình điểm trong công tác giảm nghèo, từ đó nhân ra diện rộng. Kết quả, nhiều mô hình của các tổ chức, đoàn thể cho hiệu quả cao, như mô hình làm nấm của đoàn thanh niên xã và hội phụ nữ xã, mô hình cựu chiến binh tham gia giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.....
Trong đó, phải kể đến mô hình làm nấm của chị em hội viên phụ nữ do chị Vũ Thị Đam, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã làm chủ. Từ ban đầu thành lập (năm 2007), tổ hợp nấm chỉ có 5 hộ, đến nay tăng lên 41 hộ, với tổng diện tích lán trại gần 4.500m2, mỗi vụ tiêu thụ khoảng 200 tấn nguyên liệu rơm rạ, sản xuất ra hàng chục tấn các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm; trung bình mỗi năm cho tổng thu nhập trên 2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, mỗi hộ có lãi từ 20-50 triệu đồng/vụ, một số hộ làm nhiều thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Đây được xem là mô hình làm ăn có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai của nông thôn và cũng là mô hình tiêu biểu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ tổ hợp đã giải quyết việc làm cho 140 lao động địa phương và giúp cho 15 hộ thoát nghèo bền vững...
Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã, để giúp cho các hộ nghèo có việc làm, tăng thu nhập và cũng là thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, thành lập và mở rộng các cơ sở sản xuất. Đến nay trên địa bàn xã đã có 2 cơ sở may công nghiệp và một nhà máy sản xuất gạch, qua đó giúp cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, trong đó nhiều hộ nghèo có việc làm đã và đang dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đúng định hướng, đến đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã Khánh Công đã giảm xuống chỉ còn hơn 7%. Đạt được kết quả đáng phấn khởi đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu tự vươn lên của các hộ nghèo trên địa bàn xã…
Mỹ Hạnh