Chuyển biến từ thực tiễn cuộc sống Những ngày cuối tháng 12, trời trở rét ngọt, song trên các cánh đồng màu của xã Mai Sơn (Yên Mô) vẫn rộn lên không khí lao động sản xuất, người bẻ ngô, người tưới rau su hào, bắp cải, người thu hái cà chua chuẩn bị cho phiên chợ ngày hôm sau. Ông Trịnh Văn Đớng, xóm 3 dừng tay vun gốc cà chua tiếp chuyện chúng tôi, ông cho biết: Phong trào trồng rau màu vụ đông ở Mai Sơn đã có từ lâu nhưng chủ yếu là để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Khoảng vài năm nay các cây trồng mới thực sự trở thành hàng hóa, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Tại xóm 3, phong trào trồng cây rau màu hàng hóa đang trên đà phát triển, trong đó cây cà chua cho lợi nhuận khá cao. Gia đình ông không có lao động nên chỉ trồng hơn 1 sào, nhiều gia đình trồng từ 3-5 sào, có nhà trồng cả ha. Ông nhẩm tính, với năng suất trung bình 7-8 tạ quả/sào/vụ, giá bán khoảng 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi sào cà chua thu 6-7 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Được biết, Mai Sơn hiện là một trong những xã tích cực, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng giá trị trên cùng diện tích gieo cấy. Ngoài diện tích trồng lúa gần 130 ha vụ đông xuân và khoảng 170ha vụ mùa, xã còn đưa các cây như lạc, ngô ngọt, đậu tương hè thu, cà chua và cây rau màu khác vào trồng với diện tích trên dưới 50 ha mỗi vụ. Thu nhập từ cây rau, màu đã giúp đời sống các gia đình ổn định và vươn tới làm giàu. Tại xã cũng đã xuất hiện những mô hình làm ăn mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác của xã đã đạt 98 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7%.
Cùng với Mai Sơn, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Yên Mô cũng đã tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó phải kể đến tính đúng đắn của chủ trương chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa của huyện. Tính đến hết tháng 11-2015, toàn huyện đã có hơn 392,35 ha ruộng trũng được chuyển đổi sang canh tác lúa-cá, phân bổ chủ yếu ở các xã Yên Thành, Yên Hòa, Yên Đồng, Yên Thái… Theo tính toán của huyện, thu nhập trung bình trên 1 ha chuyển đổi đạt 205 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình thu được 114,5 triệu đồng/ha, cao gấp 2,86 lần so với trồng lúa.
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Mai Sơn và các xã trên địa bàn huyện Yên Mô thời gian qua là một trong những minh chứng rõ nét cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống của Đảng bộ huyện Yên Mô nói chung và xã Mai Sơn nói riêng. Nhìn lại kết quả nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã hoàn thành 14/15 mục tiêu Đại hội lần thứ XVI đã đề ra. Nhiều chỉ tiêu vượt như: Giá trị sản xuất trên 1 ha (đạt 101,5 triệu đồng); thu nhập bình quân đầu người (đạt 25 triệu đồng); trường học đạt chuẩn quốc gia; kiên cố hóa kênh mương; đường giao thông nông thôn… Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua chính là động lực, là tiền đề để huyện Yên Mô tiếp tục phấn đấu, giành những thành tích cao hơn, vững chắc hơn trong thời gian tới.
Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững - Mục tiêu rõ ràng, giải pháp đồng bộ
Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mô nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 15 mục tiêu phấn đấu. Trong đó, phấn đấu đến năm cuối nhiệm kỳ cơ cấu kinh tế đạt: Nông, lâm, thủy sản 28%; công nghiệp, xây dựng 43,7%; du lịch, dịch vụ 28,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng; giá trị trên 1 ha canh tác đạt 135 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm trên 50%; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5% đến 2%... Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đảng bộ huyện đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; ban hành Chương trình công tác toàn khóa, với 7 chương trình công tác trọng tâm giai đoạn 2015-2020, gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình xây dựng thị trấn Yên Thịnh theo hướng đô thị văn minh, hiện đại; chương trình phát triển nông nghiệp; chương trình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ- du lịch và tăng thu ngân sách; chương trình phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội; chương trình tăng cường quốc phòng-an ninh; chương trình xây dựng hệ thống chính trị. Mỗi chương trình, Đảng bộ huyện đều thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Nhiệm vụ của các Ban chỉ đạo là xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các đoàn thể, đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức thực hiện…
Đồng chí Đỗ Trọng Luận, Phó Bí thư Huyện ủy Yên Mô cho chúng tôi biết: 7 chương trình công tác trọng tâm nêu trên là bước cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 17 đã đề ra, trong đó vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là những ưu tiên hàng đầu. Trong Chương trình phát triển nông nghiệp của huyện chỉ rõ: Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác và bình quân thu nhập đầu người. Theo đó, nhiệm vụ được xác định là: mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ gieo cấy lúa chất lượng cao đạt trên 70% diện tích. Giải pháp thực hiện là tăng cường tiếp thu, ứng dụng, nhân rộng các mô hình cây trồng, con nuôi mới có giá trị cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất vụ đông. Tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Yên Nhân, Yên Phong, Yên Thắng, Yên Lâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Song song với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh rau hàng hóa ở Yên Từ, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Phong, Mai Sơn, Khánh Dương. Khuyến khích xây dựng và mở rộng các khu chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, gia trại, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Tiếp tục mở rộng diện tích ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa, phấn đấu đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 700ha.
Huyện cũng xác định rõ các giải pháp hỗ trợ gồm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng, chống lụt bão; chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX, kinh tế hộ gia đình; khuyến khích nhân dân dồn, đổi ruộng, cho thuê, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Năm 2016 đã đến gần, với việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ kèm theo đó là các giải pháp thực hiện đồng bộ, Đảng bộ huyện Yên Mô sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội nhằm tạo ra bước chuyển mới ngay từ năm đầu nhiệm kỳ trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, xây dựng Yên Mô ngày càng giàu mạnh.
Hà Trang